Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới. Dòng đầu tư nước ngoài toàn cầu đang có xu hướng giảm; những thay đổi và xung đột thương mại trên thế giới có tác động đến điều chỉnh dòng đầu tư của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; áp lực cạnh tranhthu hút đầu tư nước ngoài của một số nước trong khu vực ngày càng tăng; cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực.
Hiện nay, Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đây là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng khẳng định rõ định hướng của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn này thời gian tới, đó là tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Để thực hiện được định hướng đề ra và thu hút, sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, cần nhận thức đầy đủ rằng thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi việc huy động và kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó nguồn lực trong nước là quyết định và nguồn lực ngoài nước là quan trọng.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, trình độ năng lực của bộ máy và đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định thành công trong việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, phát triển, nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là năng lực về công nghệ và quản trị là yếu tố quan trọng để tiếp nhận và tăng cường liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu, định hướng nói trên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp chủ yếu, đó là:
(1) Thống nhất nhận thức và hành động để triển khai các chủ trương, chính sách về đầu tư nước ngoài
(2) Hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả đầu tư nước ngoài
(3) Vận hành có hiệu quả các loại thị trường và mở cửa thị trường để thu hút đầu tư nước ngoài
(4) Khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
(5) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để định vị lại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài
(6) Thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường
(7) Điều chỉnh các chính sách thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài liên quan đến các cam kết quốc tế
(8) Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.