Việt Nam triển khai IPv6 cho mạng di động
Với trên 30 triệu thuê bao 3G và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, việc triển khai IPv6 trên mạng đi động sẽ là khâu đột phá, thúc đẩy lưu lượng sử dụng IPv6 tại Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra trong Hội thảo “Triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng” được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức nhân sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam năm 2015 sáng ngày hôm nay (6/5).
Được coi là giải pháp duy nhất để phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin và Internet bền vững, phiên bản địa chỉ internet mới IPv6 (Internet protocol version 6) đang được Việt Nam triển khai một cách bài bản.
Theo ông Thắng, năm 2014 đã đánh dấu nhiều hoạt động quan trọng trong thúc đẩy phát triển IPv6 theo đúng lộ trình của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục.
Cụ thể, theo đánh giá từ các hệ thống phân tích thống kê IPv6 quốc tế, lưu lượng và tỷ lệ người sử dụng IPv6 tại Việt Nam còn rất thấp.
“Mặc dù đã có một số lượng đáng kể các khối địa chỉ IPv6 và số hiệu mạng quảng bá IPv6 của Việt Nam xuất hiện trên bảng định tuyến toàn cầu nhưng việc thiếu vắng người sử dụng cho thấy hầu hết các ISP Việt Nam mới chỉ sẵn sàng IPv6 ở phần mạng lõi và chưa vươn tới phân mạng truy nhập để triển khai IPv6 đến khách hàng,” Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thắng, năm 2015 sẽ là năm cuối cùng của giai đoạn khởi động của Kế hoạch hành động quốc gia về thúc đẩy phát triển IPv6. Mục tiêu đặt ra khi kết thúc giai đoạn này là bảo đảm tính sẵn sàng IPv6 đối với toàn bộ hạ tầng mạng lưới Internet, chính thức cung cấp một số dịch vụ trên nền IPv6. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, VNNIC khẩn trương thực hiện rà soát, nâng cấp mạng lưới Internet, cơ sở hạ tầng Internet quốc gia, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn toàn hỗ trợ IPv6.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho hay, với tốc độ tăng trưởng của dịch vụ băng thông di động 3G (Việt Nam có trên 30 triệu thuê bao), và xu hướng phát triển của băng thông di động trên thế giới, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã xác định cần chú trọng triển khai IPv6 trên mạng di động. Đây được xem là khâu đột phá thúc đẩy lưu lượng sử dụng IPv6.
Đại diện của VNNIC thì khuyến nghị các nhà mạng cần nhanh chóng triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng bởi xu hướng chuyển đổi sang thế hệ mạng di động mới, có tốc độ cao hơn đang bùng nổ. Dự kiến kết nối 3G/4G LTE sẽ đạt 53% vào năm 2017…Theo đại diện của ba mạng di động lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel, các đơn vị này đều đã sẵn sàng cho việc triển khai IPv6.
Tuy nhiên, có một số khó khăn hiện nay là số lượng thiết bị di động hỗ trợ IPv6 hoặc song song cả IPV6 và IPv4 còn hạn chế (27% trong năm 2014 và dự kiến là 59% trong năm 2019).
Bên cạnh đó, đa phần các ứng dụng Internet đang hoạt động ở IPv4, theo đại diện VinaPhone, số lượng hỗ trợ IPv6 nhỏ hơn 7%; 10-15% ứng dụng Smartphone chỉ hoạt động ở IPv4.
Bởi vậy, nhiều ý kiến kiến nghị cơ quan chức năng cần tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi IPv6 của các quốc gia phát triển cũng như trong khu vực; Đưa ra các khuyến nghị về mặt giải pháp chuyển đổi IPv6 phù hợp cho doanh nghiệp; Ban hành các tiêu chuẩn Việt Nam về giao thức IPv6, đặc biệt về vấn đề bảo mật của giao thức IPv6.
Tin liên quan
Tin khác