Xuất khẩu phân bón tính đến 15/6 đã lên tới 615.710 tấn, trị giá 212,867 triệu USD. |
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải Quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu phân bón đạt 615.710 tấn, tương đương giá trị 212,867 triệu USD, tăng gần 50% về lượng và tăng hơn 60% về trị giá.
Đà tăng của phân bón xuất khẩu đã diễn ra trong cả năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 1,163 triệu tấn, trị giá 341 triệu USD, tăng 39,7% về lượng và 27,1% về giá trị so với năm 2019.
Với 1,163 triệu tấn phân bón xuất khẩu trong năm qua, sau một thời gian dài Việt Nam mới lại xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn phân bón/năm. Lần gần nhất, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phân bón là vào năm 2014 (đạt 1,059 triệu tấn).
Riêng trong tháng 5/2021, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 104.233 tấn, tương đương 35,68 triệu USD, tăng mạnh 28,7% về lượng và tăng 46,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi xuất khẩu tăng kỷ lục thì tại thị trường nội địa, giá phân bón đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV) cho biết: giá phân bón cũng như nguyên liệu sản xuất phân bón trên thế giới thời gian qua tăng rất mạnh, kéo theo chi phí sản xuất trong nước gia tăng, đẩy giá phân bón thiết lập mặt bằng giá mới. Phản ứng dây chuyền này là tất yếu, do thị trường trong nước và thế giới liên thông nên giá phân bón của Việt Nam biến động theo giá của thế giới.
Đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Nguyên nhân chính là giá cước vận chuyển container đã tăng 3-5 lần so với năm trước, trong khi đó, phân bón DAP, MAP và Ure hầu hết được vận chuyển bằng container.
Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất phân DAP và MAP là lưu huỳnh tăng 2 lần, giá amoniac tăng khoảng 30%, thêm vào đó, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa.