Việt Nam đã xuất khẩu gần 26 tỷ USD hàng hóa sang thị trương EU trong 8 tháng 2021. |
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường EU tăng trưởng cao trong 8 tháng 2021, nhờ thuận lợi thương mại từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đi vào thực thi được hơn 1 năm
8 tháng đầu năm 2021, thương mại 2 chiều Việt Nam - EU đạt 36,88 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 25,98 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ và nhập khẩu từ EU lượng hàng hóa trị giá 10,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ 2020.
Như vậy, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường EU 15,08 tỷ USD sau 8 tháng.
Riêng trong tháng 7, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD sang EU, tăng 15,25% so với tháng 6/2021 và tăng 3,13% so với tháng 7/2020. Xuất khẩu sắt thép tiếp tục bứt phá mạnh, tăng 77,89% so với tháng 6/2021 và tăng 3.087% so với cùng kỳ năm 2020.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU có nhiều tiến triển thuận lợi khi các doanh nghiệp ngày càng có kinh nghiệm hơn trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, tỷ lệ tận dụng mẫu C/O EUR1 đạt 29,09% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm nay.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta đã tận dụng tốt EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng tận dụng ưu đãi thuế quan nhờ thỏa mãn quy tắc xuất xứ hàng hóa theo cam kết trong hiệp định, như rau quả, thủy sản, điện thoại, máy tính...
Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ là các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang các thị trường này bao gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, giày dép các loại, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may
Nhìn chung, mức độ tác động của Hiệp định EVFTA đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 đã rõ nét hơn khi tiêu dùng hàng hóa của EU phục hồi.
Các mặt hàng có triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới có thể kể đến như giày dép các loại, hàng dệt may. Sau một thời gian hạn chế ra ngoài mua sắm, khi các yêu cầu giãn cách được dỡ bỏ, hoạt động du lịch được khởi động trở lại, nhu cầu tiêu thụ nhóm mặt hàng này sẽ tăng lên.
Dự báo, trong các tháng còn lại của năm 2021, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 tại Bắc Giang và Bắc Ninh, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sẽ dần phục hồi, sau khi chậm lại trong tháng 6/2021.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam sẽ khiến tiến độ xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị ảnh hưởng.