Nếu tăng vốn thành công, Vietcombank sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường |
Phương án chào bán của Ngân hàng thực hiện tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 10 số 10/TN2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 28/4/2017, Nghị quyết HĐQT số 54/NQ-VCB-HĐQT ngày 5/2/2018, Công văn số 7105/NHNN-TTGSNH ngày 19/9/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định của pháp luật.
Theo phương án trên, Vietcombank sẽ sẽ phát hành riêng lẻ tối đa gần 360 triệu cổ phần (10% vốn điều lệ). Trong đó, ngân hàng này dự kiến bán cho đối tác chiến lược (Ngân hàng Mizuho Nhật Bản) gần 54 triệu cổ phiếu để cổ đông này giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 15% sau phát hành. Phần còn lại, Vietcombank sẽ phát hành gần 306 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư khác, tương đương tỷ lệ 7,73%.
Trong tháng 9/2018, NHNN cũng đã có công văn chấp thuận cho Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 36.000 tỷ đồng lên 39.600 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 10% của ngân hàng này.
Trước đó, tháng 8/2016, Quỹ đầu tư Quốc gia Singapore (GIC) và Vietcombank đã ký kết một bản thỏa thuận ghi nhớ, theo đó GIC sẽ mua 7,73% vốn của VCB, tương đương 305,8 triệu cổ phiếu phát hành mới. Tuy nhiên, thương vụ sau đó không thể thực hiện hiện.
Mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, việc chào bán cổ phần của ngân hàng gặp nhiều khó khăn dù nhiều đối tác hỏi mua. Lý do là theo quy định, VCB không được bán với giá thấp hơn giá thị trường và nhà đầu tư phải nắm giữ tối thiểu 1 năm mới được bán cho đối tác khác.
Nếu lần này việc chào bán 10% cổ phiếu riêng lẻ thành công, Vietcombank sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống, vượt qua VietinBank.
Hiện Vietcombank đang được đánh giá là ngân hàng mạnh nhất hệ thống. Theo Đề án cơ cấu lại Vietcombank đến năm 2020, quy mô tổng tài sản mục tiêu của Vietcombank là 60 tỷ USD, quy mô vốn chủ sở hữu khoảng 4,5 tỷ USD, ROE khoảng 15%, tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 2%.