Với kế hoạch tăng vốn khủng, Vietcombank vẫn vững vị thế là ngân hàng lớn nhất Việt Nam về mọi mặt |
Sẽ chia cổ tức 18,1% trong tháng 5/2023 và thêm nhiều kế hoạch tăng vốn khác
Trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên sáng nay, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank đang triển khai 3 nội dung tăng vốn gồm:
Nội dung thứ nhất, theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Ngày 19/4, NHNN đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa sẽ hoàn thành tăng vốn theo phương án này.
Nội dung tăng vốn thứ hai đã thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường mới đây (tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018). Mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Chủ trương tăng vốn đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo quy định, với mức tăng vốn như trên phải được Quốc hội thông qua.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng |
Nội dung tăng vốn thứ ba là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Dự kiến, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại trong năm 2023 - 2024.
Phó tổng giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết, nội dung tăng vốn thứ nhất (trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1%) sẽ được triển khai các bước và thực hiện trong tháng 5/2023. Chương trình thứ 2 là trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại đến trước năm 2018 với quy mô 27.000 tỷ đồng hiện đang xin các cấp có thẩm quyền.
Về nội dung phân phối lợi nhuận năm 2022, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại là hơn 21.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận quý I/2023 đạt 11.200 tỷ đồng, dự kiến trích lập dự phòng 10.000 tỷ đồng
Trả lời câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên sáng nay, ông Phạm Quang Dũng cho biết, kết quả kinh doanh quý 1/2023 của ngân hàng rất khả quan: Tín dụng tăng trưởng hơn 2,5%. Huy động vốn tăng 3,2%, khả quan hơn toàn ngành ngân hàng. NIM của Vietcombank có cải thiện so với năm ngoái, tăng 0,04% so với cuối 2022. Lợi nhuận riêng lẻ đạt 11.050 tỷ đồng.
Do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo Vietcombank cho biết sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng tài sản, đảm bảo phát triển bền vững. Năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ dành 10.000 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro.
Năm ngoái, Vietcombank trích lập dự phòng gần 10.000 tỷ đồng, đến nay đã thu được gần một nửa (còn 5.800 tỷ đồng). Toàn bộ khoản cho vay này đều có tài sản đảm bảo và khả năng được hoàn lại toàn bộ. Như vậy, khoản hoàn nhập dự phòng này sẽ đóng góp lớn vào lợi nhuận Vietcombank năm nay.
Về chính sách hỗ trợ khách hàng, lãnh đạo Vietcombank khẳng định luôn thực hiện chính sách áp dụng lãi suất ưu đãi cho khách hàng đối với khách hàng hiện hữu và vay mới. Trong năm 2022, ngân hàng luôn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp so với thị trường. Đây cũng là lý do vì sao dư nợ tín dụng của ngân hàng trong năm 2022 tăng đến 19%.
Về việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Vietcombank khẳng định đây là cơ hội, động lực tăng trưởng mới cho ngân hàng giai đoạn tới. Do chưa chính thức nhận chuyển giao nên ngân hàng chưa đưa vào kế hoạch năm 2023.