Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 tăng 12% |
Lĩnh vực phi tín dụng đã chiếm gần một nửa tổng thu nhập
Tại Hội tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 2021 diễn ra sáng nay (11/1/2020), ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2020, Vietcombank đã đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch COVID-19 và thiên tai thông qua các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất. Trong năm, Vietcombank đã 5 lần giảm lãi suất cho vay. Tổng dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 441.768 tỷ đồng; Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất gần 4.000 tỷ đồng; Dư nợ được cơ cấu lại theo thông tư 01 là 5.156 tỷ đồng.
Bên cạnh hỗ trợ khách hàng, Vietcombank điều tiết tốc độ tăng trưởng và cơ cấu huy động vốn theo hướng tối ưu, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn, nhờ đó kết quả kinh doanh vẫn được giữ vững.
Cụ thể, tính đến 31/12/2020, tổng huy động vốn của ngân hàng đạt 1,08 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với 2019 trong đó riêng huy động vốn thị trường I đạt 1,05 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước và đạt 104,6% kế hoạch năm. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) đạt bình quân 28,9%.
Dư nợ tín dụng đạt 838.220 tỷ đồng, tăng 13,95% so với 2019 – cao nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước, hoàn thành 103,6% kế hoạch năm 2020. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng chuyển dịch rõ rệt: tín dụng bán lẻ tăng trưởng 20,4%, tỷ trọng tín dụng bán lẻ chiếm 53,5% tổng dư nợ tín dụng (tăng 2,9 điểm % so với 2019).
Không chỉ tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh mà các hoạt động ngoài lãi cũng tăng trưởng rất tốt. Thu nhập thuần từ hoạt động phi tín dụng chiếm 49,8% thu nhập từ hoạt động kinh doanh, tăng 10,7 điểm % so với năm 2019.
Trong đó thu thuần từ hoạt động kinh doanh vốn và đầu tư chiếm 21,1% thu nhập hoạt động kinh doanh. Thu thuần dịch vụ và thu khác chiếm 28,6% thu nhập từ hoạt động kinh doanh và tăng 6,0 điểm % so với năm 2019.
Đáng chú ý, mảng bảo hiểm đóng góp lớn cho thu nhập của Vietcombank. Năm 2020, doanh số phí bảo hiểm nhân thọ thực thu năm đầu tiên (FYP) theo hợp đồng với FWD (triển khai từ 13/4/2020) đạt 371 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch năm 2020. Tổng phí thu được từ bảo hiểm nhân thọ năm 2020 đạt 417 tỷ đồng, tăng 94% so với năm trước đó. Thu nhập từ dịch vụ Bancas của ngân hàng đạt 1.873 tỷ đồng đóng góp 18,1% trong thu dịch vụ.
Chỉ số ROAA và ROAE của Vietcombank đạt lần lượt 1,42% và 20,48%.
Lợi nhuận không tăng vì dự phòng cao kỷ lục
Mặc dù tín dụng và các hoạt động phi tín đụng đều tăng trưởng mạnh nhưng sở dĩ lợi nhuận năm 2020 của Vietcombank không tăng trưởng, ngoài lý do giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng còn do ngân hàng này rất mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro.
Năm 2020 là năm đầu tiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank đạt mức cao nhất hệ thống. Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm dư quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng lên mức kỷ lục: 19.344 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh trích lập khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng (xấp xỉ 377%).
Báo cáo của Vietcombank cho thấy, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu được ngân hàng kéo xuống mức thấp nhất trong lịch sử: 0,61% trên tổng dư nợ.
"Đây là tỷ lệ nợ xấu lý tưởng trong bối cảnh hiện nay," Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.
Năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 6%; huy động vốn thị trường 1 tăng 8%, tín dụng tăng khoảng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, NIM 3,1% và lợi nhuận trước thuế tăng 12%, tương đương lên 25.200 tỷ đồng.