Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (HOSE: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022.
Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng ngân hàng này tăng trưởng lạc quan (cho vay khách hàng tăng 8,7%) song thu nhập lãi thuần lại giảm tới 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là trong kỳ, ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp khiến thu nhập từ lãi chỉ tăng 4,9% trong khi đó giá vốn đầu vào tăng (chi phí trả lãi tăng 14,6%) nên chênh lệch lãi suất huy đông/cho vay (NIM) sụt giảm.
Lãi thuần từ mảng dịch vụ tương đương cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.278 tỷ đồng. Mức lãi từ dịch vụ của VietinBank cho thấy, phí trả trước bảo hiểm từ hợp đồng phân phối độc quyền với Manulife trị giá hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa được ngân hàng ghi nhận vào doanh thu kỳ này.
Điểm sáng nhất trong kết quả kinh doanh quý này là lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp đôi đạt 783 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động khác đạt tới 1.877 tỷ đồng, tăng 4,3 lần (tăng gần 1.500 tỷ đồng so với quý trước), bù đắp được sự sụt giảm của mảng kinh doanh chứng khoán, khiến tổng thu nhập hoạt động trong quý của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng.
Sau khi trừ chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro của ngân hàng đạt 10.249 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trong kỳ, ngân hàng tăng gấp 3 lần chi phí dự phòng rủi ro lên 4.426 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn5.822 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.
Việc tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến cuối quý 1/2022 của VietinBank đã lên gần mức 200%, tăng mạnh với mức 180% cuối năm 2021.
Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank là 1,24%, giảm nhẹ so với mức 1,26% cuối năm ngoái. Tổng tài sản của ngân hàng tính đến hết quý 1/2022 tăng 8,6%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng. Đáng chú ý, trong quý, huy động vốn của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt (tăng 4,4%), đặc biệt tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục tăng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra vào hôm nay (29/4), VietinBank sẽ trình cổ đông thông qua một số chỉ tiêu năm 2022 như: tổng tài sản tăng trưởng từ 5-10%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo phê duyệt của NHNN. Nguồn huy động tăng 8-10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 1,8%.
Ngân hàng cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của NHNN. Nếu tăng 15% như kế hoạch, lợi nhuận riêng lẻ của VietinBank năm 2022 sẽ đạt gần 19.400 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận, sau khi trích lập các quỹ, nguồn lợi nhuận còn lại có thể chia cổ tức của VietinBank là 9.624 tỷ đồng. VietinBank sẽ trình cổ đông cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu với toàn bộ phần lợi nhuận sau khi trích quỹ này. Nếu thực hiện được kế hoạch, vốn điều lệ của ngân hàng có thể tăng lên gần 57.700 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo VietinBank cho biết quyết định phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 chính thức sẽ dựa trên cơ sở ý kiến phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Năm 2021, VietinBank đã hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ lên 48.057 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2020.