Đạt lợi nhuận kỷ lục tới 18.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái song tăng vốn vẫn là nhu cầu cấp thiết của Vietcombank. Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề nghị Chính phủ được giữ lại cổ tức để trả bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR). Đồng thời, cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp; nới tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, trong khi vẫn kiên định với tỷ lệ nắm giữ tối thiểu ở mức 65% đối với Nhà nước. Được biết, cuối năm 2018, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ thành công 3% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài từ cuối năm 2018, thu về 6.200 tỷ đồng.
Tương tự, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cũng cho hay, tăng vốn là vấn đề đặc biệt cấp bách và đề xuất ngân hàng sớm được tăng vốn điều lệ, bởi “nếu không được tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề," ông Thọ cho hay.
Theo lãnh đạo VietinBank, hiện hệ số CAR của ngân hàng đã chạm mức quy định. Hiện ngân hàng rất cần tăng vốn để đáp ứng các quy định mới về quản trị , để mở rộng tín dụng. Trong 10 năm qua, ngân sách nhà nước chưa phải cấp vốn cho VietinBank tăng vốn mà ngân hàng tăng vốn điều lệ chủ yếu qua cổ phần hóa, phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài… Tuy ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp tăng vốn cấp 1 và cấp 2 nhưng rất khó khăn, hậu quả là từ tháng 9/2018 đến nay, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng vì vốn điều lệ chưa tăng theo (tín dụng chỉ tăng 6,1%).
Trước mắt, để giải bài toán nan giải về tăng vốn, Chủ tịch VietinBank đề nghị Chính phủ cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Việc chia cổ tức tiền mặt chỉ thực hiện khi hệ số CAR của ngân hàng được đảm bảo.