Sau gần nửa năm niêm yết, điều gì được Vietjet nhìn nhận là có giá trị nhất với hoạt động của doanh nghiệp?
Điều quan trọng nhất là việc này không chỉ phục vụ lợi ích của doanh nghiệp (Vietjet), mà lớn hơn là mang lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam, cho thị trường chứng khoán và đặc biệt là ngành hàng không Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thông qua việc giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về Vietjet và về ngành hàng không Việt Nam, Công ty đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư, các quỹ và các định chế tài chính hàng đầu thế giới. Điều này đã trợ giúp hiệu quả cho sự phát triển chung của ngành hàng không Việt Nam, bao gồm cả hạ tầng hàng không như sân bay, nhà ga, các hoạt động dịch vụ, đào tạo… Đồng thời, việc này cũng gián tiếp tạo đà cho tăng trưởng chung của ngành, trong đó có Vietjet.
. |
Với nửa năm niêm yết, Vietjet thấy đâu là vấn đề cần lưu tâm khi đưa cổ phiếu lên sàn?
Với Vietjet, khi đưa cổ phiếu lên sàn, sự khác biệt là công tác quan hệ nhà đầu tư đã được thực hiện đúng theo các chuẩn mực quốc tế và quy định hiện hành. Trong đó, quan trọng nhất là cam kết với các cổ đông hiện hữu, các nhà đầu tư trong và ngoài nước được thực hiện tốt thông qua việc đạt và vượt các chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Một vấn đề đáng lưu ý là, khi thực hiện công bố thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế với đầy đủ các thông tin rất chi tiết, thì nhiều khái niệm đối với nhà đầu tư là mới mẻ và Công ty cần chuẩn bị cho nội dung này.
Trước thời điểm niêm yết, đợt IPO quốc tế của Vietjet được các hãng tư vấn đánh giá là “chuẩn mực nhất của doanh nghiệp Việt Nam". Là người trong cuộc, đâu là nguyên nhân tạo ra đánh giá này, thưa ông?
Đã có nhiều thông tin và bài viết về quá trình thực hiện IPO của Vietjet cũng như về các chuẩn mực quốc tế mà Vietjet cũng với các đối tác tư vấn, công ty luật cùng nhau đảm bảo tính tuân thủ góp phần tạo nên thành công của đợt IPO cũng như tạo điều kiện tiếp cho việc phát hành cổ phiếu ra thị trường nước ngoài vào thời điểm thích hợp trong tương lai.
Để đạt được kết quả đó thật sự là một công việc không đơn giản, cần đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực để đảm bảo tiêu chuẩn Reg-S (Regulation S), trong khi vẫn phải đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, chất lượng và hiệu quả. Nhưng với quyết tâm và sự điều hành công việc hiệu quả của ban lãnh đạo Vietjet, kết hợp hài hòa với ý kiến của các đối tác tư vấn chuyên nghiệp nước ngoài, mọi khó khăn và áp lực trong quá trình IPO đã được giải quyết. Dự án IPO cũng như những dự án khác luôn đươc Vietjet quản trị một cách hiệu quả.
Ông có thể chia sẻ yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế khi mua cổ phần của Vietjet?
Công ty luôn thấu hiểu mong muốn và kỳ vọng của cổ đông cũng như của các nhà đầu tư hiện hữu và nhà đầu tư tiềm năng. Các cổ đông và nhà đầu tư của Vietjet tất nhiên đòi hỏi công ty phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả, đạt được các chỉ tiêu kinh doanh và hoạt động theo kế hoạch đã đề ra.
Việc có thêm các cổ đông là các nhà đầu tư nước ngoài không phải là áp lực, mà là động lực cho Vietjet có điều kiện nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý cũng như hoạt động của mình.
Liên quan kế hoạch tương lai, Vietjet từng đặt khả năng về việc niêm yết quốc tế, vậy kế hoạch này tới thời điểm hiện tại có thay đổi gì không, thưa ông?
Với tầm nhìn và mục tiêu xây dựng Vietjet thành hãng hàng không đa quốc gia cùng với việc tiến hành IPO theo chuẩn mực quốc tế thì đương nhiên, kế hoạch niêm yết quốc tế đã có trong chiến lược của Vietjet.
Hiện tại công ty đã đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết quốc tế, nhưng cần cân nhắc đặt lợi ích cổ đông lên cao nhất khi làm việc này. Trước mắt, chúng tôi cũng đang tiến hành các thủ tục đề nghị cơ quan quản lý xem xét nới room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49%.