Vietjet đặt mua 20 tàu A330neo tại Singapore Airshow
Tại triển lãm hàng không quốc tế Singapore Airshow 2024, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã ký kết thoả thuận nguyên tắc đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900).
Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus công bố thỏa thuận đặt mua máy bay A330neo |
Đây là đơn đặt hàng tàu bay thân rộng lớn nhất của Vietjet đến thời điểm hiện tại và là một trong những đơn hàng lớn nhất tại Singapore Airshow năm nay. Các máy bay sẽ được khai thác trên mạng bay tầm xa đang phát triển của hãng cũng như trên các dịch vụ bay tại các điểm đến có nhu cầu cao trong khu vực. Các tàu bay mới sẽ thay thế đội máy bay A330-300 thuê hiện tại của hãng cũng như hỗ trợ kế hoạch mở rộng mạng bay.
Ông Christian Scherer, Tổng Giám đốc Airbus cho biết rất vui mừng được hợp tác với Vietjet trong giai đoạn mở rộng tiếp theo của hãng. Dòng tàu A330neo sẽ giúp hãng hàng không đạt được chi phí vận hành trên mỗi ghế thấp nhất có thể và tiếp tục mang đến cho khách hàng giá trị tốt nhất trên mọi hành trình bay.
Ông Đinh Việt Phương, Tổng giám đốc Vietjet nhận định tàu bay A330neo mới là sự bổ sung chiến lược nhằm hiện đại hoá toàn diện đội bay của Vietjet, nâng năng lực khai thác của hãng lên vượt bậc để phục vụ phát triển mạng bay toàn cầu của hãng. Sự góp mặt của dòng tàu bay tiên tiến A330neo, tiết kiệm nhiên liệu , đội bay Vietjet sẽ góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Vietjet với các mục tiêu ESG, giảm phát thải ròng về 0 (Net-Zero) vào năm 2050. “Tôi tin rằng, hành khách của chúng tôi sẽ sớm được hưởng lợi khi bay trên những đường bay dài hơn, đầy đủ tiện nghi, hiện đại với chi phí tiết kiệm trong thời gian tới”, ông Phương nói.
Sở hữu đội tàu hơn 105 máy bay với lượng khách vận chuyển tăng trưởng liên tục hàng năm, Vietjet đang tích cực mở rộng mạng bay của mình trên bầu trời các châu lục, phát triển đội bay mới và hiện đại cùng đối tác chiến lược tập đoàn Airbus trong thời gian tới.
Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai trồng cây nuôi bò tại Lào
Thông qua việc lấy ý kiến bằng văn bản, cổ đông Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua Dự án Đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong của Lào.
Nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Sản xuất kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào là doanh nghiệp thực hiện dự án.
Tổng vốn đầu tư của Dự án Đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong của Lào là hơn 18.090 tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD |
Dự án có mục tiêu trồng cây ăn trái (chuối, xoài, bưởi, sầu riêng), kết hợp chăn nuôi bò bán chăn thả, bò thịt vỗ béo; chế biến trái cây; sản xuất sợi; sản xuất phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Dự kiến hoàn thiện đầu tư từ năm 2024 đến năm 2028. Thời hạn hoạt động 50 năm.
Quy mô của dự án là 27.384 ha đất với tổng vốn đầu tư hơn 18.090 tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD. Trong đó, vốn tự có là 9.650 tỷ đồng và Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai sẽ góp đủ 100% phần vốn tự có này để thực hiện dự án thông qua hình thức góp vốn điều lệ cho doanh nghiệp thực hiện dự án nói trên; còn lại 8. 440 tỷ đồng huy động từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước theo quy định.
Ước tính sau khi hoàn tất giai đoạn đầu tư từ năm 2028, dự án có thể mang về doanh thu và lợi nhuận mỗi năm là 13.500 tỷ đồng (550 triệu USD) và 2,450 tỷ đồng (100 triệu USD). Tương ứng tỷ suất lợi nhuận là 18%.
An Trung Industries bán hộp nhựa made in Vietnam cho Costco
Mới đây, An Trung Industries và hãng bán lẻ khổng lồ Costco đã bắt tay hợp tác đưa sản phẩm hộp nhựa gia dụng thực phẩm chất lượng cao “Made in Vietnam” sang Canada. Lô hàng đầu tiên hợp tác với chuỗi siêu thị Costco là hộp đựng thực phẩm bằng nhựa PP trong.
Dây truyền sản xuất hộp nhựa của An Trung Industries |
Là công ty con của Nhựa Hà Nội (thành viên Tập đoàn An Phát Holdings), An Trung Industries được đầu tư và sở hữu hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, được nhập khẩu toàn bộ từ Hàn Quốc, Nhật Bản… nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường tiêu chuẩn cao như Canada, Mỹ, EU…
Ông Ngô Văn Thụ, Tổng giám đốc của Nhựa Hà Nội, cho biết: “Đây là lần đầu tiên An Trung Industries xuất khẩu sản phẩm nhựa gia dụng nhưng đã hợp tác được với đối tác lớn trên thế giới. Hiện thị trường nhập khẩu đồ gia dụng nhựa của Mỹ lên tới gần 8 tỷ USD/năm, đây cũng là quốc gia nhập khẩu đồ gia dụng nhựa lớn nhất thế giới, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất để phát triển tại thị trường này”.
Ngoài chứng nhận ISO9001, ISO14001 và HACCP cho nhà máy sản xuất, sản phẩm hộp đựng thực phẩm của An Trung Industries còn đáp ứng thêm chuỗi các chứng nhận An toàn thực phẩm FDA, có thể tái sử dụng, an toàn với máy rửa bát, an toàn với lò vi sóng, an toàn với tủ đông, và không rò rỉ nước.
Theo lãnh đạo An Trung Industries, công suất nhà máy tối đa dự kiến có thể lên tới 8 triệu sản phẩm/năm, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu lớn của khách hàng. Ngoài ra, các sản phẩm thực phẩm được sản xuất trong phòng sạch tuyệt đối, quy trình bảo quản từ nguyên liệu đầu vào, vệ sinh máy móc và nguyên liệu kỹ càng.
Trước đó, An Trung Industries cũng đã sản xuất các mặt hàng nhựa thực phẩm khác như dao, thìa dĩa, ống hút... và các sản phẩm linh kiện điện, điện tử đi các khu chế xuất và xuất khẩu các nước Brazil, Đài Loan, Philippines, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản,… Các lô hàng đều nhận được những đánh giá tích cực của đối tác và khách hàng.
Costco có tên đầy đủ là Costco Wholesale - một chuỗi đơn vị bán lẻ nổi tiếng của Mỹ với số lượng các kho bãi và sản phẩm khổng lồ, có mặt tại rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Chất lượng của các sản phẩm tại Costco luôn được kiểm duyệt một cách kỹ càng trước khi được bày bán. Nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng luôn rất rõ ràng để người dùng tiện theo dõi. Để trở thành một đối tác của thương hiệu này cũng không phải là điều đơn giản khi các thương hiệu phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe trước và sau khi sản phẩm được bày bán. Nhờ tất cả các điều trên, Costco được xem như một đối tác uy tín khẳng định chất lượng giữa nhà sản xuất và người mua hàng.
Xây dựng Hòa Bình trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) thông tin đã nhận được thư trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya.
Cụ thể, Công ty đã nhận được thư trúng thầu 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội của Bộ đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và Phát triển Đô thị Kenya. Các dự án nhà ở xã hội này được triển khai dành cho lực lượng cảnh sát, quân đội và sinh viên Đại học Kỹ thuật của Kenya.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã nhận được thư trúng thầu 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội của Bộ đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và Phát triển Đô thị Kenya |
Theo đó, HBC sẽ là tổng thầu thiết kế và thi công nhà ở cùng cơ sở hạ tầng cho các đơn vị: Trường Đào tạo đơn vị dịch vụ tổng hợp Embakasi, Trụ sở cảnh sát Ruiru, Trụ sở chính Trường Đào tạo đơn vị dịch vụ tổng hợp Buruburu, Trường đào tạo cảnh sát quốc gia Kiganjo, Trường Đại học kỹ thuật Kenya. Cả 5 dự án này có quy mô khoảng 3.400 căn hộ, tổng giá trị hợp đồng dự kiến khoảng 72 triệu USD.
Ngoài ra, HBC cũng nhận được thư mời vào vòng trong cho 2 dự án nhà ở xã hội khác tại Kenya. Tổng số lượng căn hộ trong 2 dự án này dự kiến khoảng 6,200 căn, với tổng giá trị hợp đồng tương đương 91,6 triệu USD. Nếu trúng thầu thêm 2 dự án này, tổng giá trị các hợp đồng xây dựng nhà ở xã hội tại Kenya của Hòa Bình sẽ lên đến 163,6 triệu USD.
Về việc hoạt động tại Kenya, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC chia sẻ trước mắt, Hòa Bình sẽ tập trung vào phân khúc nhận thầu xây dựng các dự án nhà ở xã hội, sau đó tiến đến thi công các dự án cao cấp hơn.
Kết quả tái cấu trúc FLC
Thông tin từ ĐHĐCĐ bất thường 2024 lần hai của CTCP Tập đoàn FLC, quá trình tái cấu trúc đã thu gọn bộ máy nhân sự của FLC, với mức giảm 60% nhân sự cơ hữu. Việc này nhằm cân bằng tổ chức bộ máy và ổn định thu nhập cho hơn 3,5 ngàn cán bộ nhân viên, với tổng lương thưởng 2023 đạt hơn 300 tỷ đồng.
Hệ thống công ty thành viên, công ty liên kết gồm 14 công ty con (sở hữu từ trên 50-100% vốn điều lệ) và 1 công ty liên kết.
Ra mắt các thành viên HĐQT và BKS FLC nhiệm kỳ 2021 – 2026 |
ĐHĐCĐ cũng thông qua kế hoạch hoạt động năm 2024 của doanh nghiệp. Theo đó, FLC dự kiến tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với 3 trụ cột chính: bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động.
Về mảng bất động sản, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai thi công theo cam kết với khách hàng tại 7 dự án trọng điểm: FLC Premier Parc Thấp tầng, C4C5 Thanh Hóa, Biệt thự Hạ Long, Tropical 1&2, HH1-HH4. Đồng thời, có kế hoạch triển khai thi công xây dựng thêm 6 dự án Hilltop Gia Lai, Legacy Kon Tum, FLC Sầm Sơn, Sadec, Quy Nhơn và dự án Quảng Bình. Mục tiêu 2024, mảng bất động sản sẽ mang lại cho FLC gần 1,2 ngàn tỷ đồng doanh thu để tiếp tục thi công, hoàn thiện các dự án.
Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục tái cơ cấu tài sản theo hướng giữ lại các tài sản chất lượng tốt, khả năng sinh lời cao; chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư, kinh doanh một số tài sản để đem lại nguồn tài chính.
Đối với lĩnh vực khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, FLC sẽ tập trung khai thác vận hành các khu hiện hữu như FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, khai thác tối đa công suất phòng, đảm bảo dòng tiền huy trì hoạt động của Doanh nghiệp. Cùng với đó, tìm kiếm đối tác có tiềm năng, đàm phán phương án hợp tác khai thác vận hành đối với một số hạng mục. Mảng này dự kiến mang lại cho FLC hơn 1.2 ngàn tỷ đồng doanh thu cùng lợi nhuận đủ để duy trì hoạt động và thực hiện cam kết với các bên liên quan.
Về các lĩnh vực khác, FLC đặt mục tiêu tiếp tục nghiên cứu triển khai hoạt động tại một số lĩnh vực kinh doanh có khả năng đem lại nguồn thu và lợi nhuận cho Tập đoàn.
ĐHĐCĐ đã thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung các thành viên HĐQT. HĐQT mới của FLC sau đại hội gồm 5 thành viên, gồm ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Chủ tịch thường trực, và các thành viên là bà Trần Thị Hương, ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh.