Ưu tiên đầu tư cho đội bay
Paris Air Show là sự kiện hàng không lớn nhất thế giới, được tổ chức 2 năm một lần. Triển lãm quốc tế này đã có lịch sử hơn một thế kỷ, là nơi hội tụ những tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không - vũ trụ. Năm nay, Paris Air Show quy tụ 2.260 tập đoàn, tổ chức đến từ các nước trên thế giới.
Một sự kiện ghi dấu ấn của ngành hàng không Việt Nam tại Paris Air Show 2015 là việc Hãng hàng không VietjetAir ký với Airbus hợp đồng đặt mua thêm 6 máy bay A321 với tổng giá trị 682 triệu USD. Như vậy, sau gói hợp đồng mua và thuê 100 tàu bay hồi năm ngoái, Vietjet Air đã tiếp tục bổ sung thêm 6 chiếc nữa để mở rộng đội tàu bay của mình.
Tại Paris, các lãnh đạo VietJet gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollandle. Ông Hollandle chúc mừng những thành tựu của VietJet đã đạt được và mong muốn mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Pháp sẽ phát triển lên tầm cao mới. Qua cuộc gặp gỡ, ông Hollandle cũng bày tỏ mong muốn sẽ viếng thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất. |
Nói về quyết định này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc của Vietjet Air cho biết: “Đơn hàng năm ngoái VietJet ký kết có thời gian giao hàng tập trung từ 2019 - 2022, vì VietJet tăng trưởng cao hơn dự kiến và chúng tôi không đủ máy bay cho kế hoạch 2017 - 2018, nên chúng tôi phải đặt thêm tàu bay”.
Với 6 chiếc máy bay A321 theo hợp đồng lần này cùng với 100 tàu bay trong hợp đồng thuê, mua trước đó, có thể thấy Vietjet tập trung đầu tư lớn cho đội bay. Theo ông Fabrice Brégier, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Airbus, so với các đối thủ cùng loại trên thị trường, dòng máy bay A320 và A321 là loại máy bay một lối đi mới và hiện đại của Airbus. Trong đó, A320 là dòng máy bay hiệu quả và có thế mạnh tiết kiệm nhiên liệu. Việc chọn dòng máy bay này để khai thác, vận hành cũng sẽ giúp Vietjet tối ưu hóa chi phí, nhờ đó hãng đưa ra được các mức chí phí bay cạnh tranh đến với khách hàng.
Lãnh đạo Vietjet tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Airbus |
Đảm bảo về tài chính, bảo hiểm
Cũng tại Paris Air Show 2015, Vietjet Air ký kết nhiều thoả thuận quan trọng với những định chế tài chính uy tín trên thế giới. Vietjet và Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã ký hợp đồng tài trợ tín dụng mua máy bay với gói tín dụng 60 triệu USD, thanh toán trước khi giao hàng 6 máy bay dòng A320. Trước đó, BNP Paribas cũng đã tư vấn tài chính cho Vietjet trong giao dịch mua và thuê máy bay thuộc gói hợp đồng 100 máy bay với Airbus. 7 máy bay đầu tiên đã được giao hàng ngay từ cuối năm 2014 và được đưa vào khai thác ổn định, an toàn, trong đó có chiếc máy bay A321 thứ 9.000 của Airbus. Được biết, một số ngân hàng hàng đầu trên thế giới và một số ngân hàng lớn của Việt Nam đã có những thỏa thuận tài trợ vốn mua máy bay cho VietJet.
Vietjet ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BNP Paribas |
Bên cạnh đó, Vietjet cũng ký kết gói bảo hiểm cho đội máy bay với giá trị bảo hiểm 1,5 tỷ USD cho năm 2015 - 2016 qua thu xếp của những tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới là Willis Group Holdings plc và JLT Group. Nhà bảo hiểm gốc được chỉ định là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) và Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (GIC). Các nhà tái bảo hiểm chính đến từ thị trường London, Paris và Frankfurt. Cùng với quy trình hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, đây thực sự là bước chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn vươn tới thị trường tài chính, bảo hiểm toàn cầu của hãng hàng không đến từ Việt Nam.
Tự hào hàng không khu vực
Trong 3 năm trở lại đây, thị trường hàng không Việt Nam có bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng vận chuyển hàng không nội địa liên tục đạt trên 20%, trong đó phải kể đến sự xuất hiện của Vietjet như một cú hích đã đem lại cơ hội bay chi phí thấp cho hàng triệu người. Thực tế cho thấy, Vietjet đã phát triển nhanh hơn dự kiến khi hãng này không chỉ phủ kín các điểm đến trong nước, mà còn liên tục mở rộng mạng bay quốc tế đến các nước trong khu vực. Hiện tại, Vietjet đang khai thác 25 tàu bay A320 và A321, thực hiện 150 chuyến bay mỗi ngày, đã phục vụ vận chuyển hơn 12 triệu hành khách, với 30 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia và Trung Quốc.
Cơ hội sẽ còn mở ra nhiều hơn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay. Có vẻ như Vietjet đã sẵn sàng để đón thị trường khi mở cửa bầu trời, đem lại cơ hội bay ngày càng nhiều hơn nữa cho người dân và du khách. Những hoạt động quốc tế của VietJet cũng khẳng định vị thế và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhận định: “Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển hàng không năng động nhất thế giới Chúng tôi đã xác định sứ mệnh của Hãng là không ngừng mở rộng mạng lưới bay nội địa, đồng thời vươn đến các địa điểm quốc tế. Chúng tôi hy vọng việc mở rộng mạng lưới bay quốc tế sẽ đóng góp tích cực vào việc tăng cường giao lưu thương mại, văn hoá, du lịch, tạo điều kiện phát triển chung cho các nền kinh tế trong khu vực”.