Vietnam Airlines đang đẩy mạnh tái cơ cấu, giảm quy mô đội bay phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh. |
Trong tham luận có tiêu đề là “Tác động của dịch Covid-19 với ngành hàng không và giải pháp vượt qua khó khăn, hướng tới tương lai”, Vietnam Airlines cho biết là theo nhận định của Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng không lâm vào khủng hoảng chưa từng có kể từ sau Thế chiến II.
Suy kiệt năng lực tài chính
Thống kê của IATA cho thấy, khách luân chuyển trên toàn thế giới năm 2020 giảm 66% so với 2019, cùng với đó là số lỗ kỷ lục của ngành hàng không lên tới 126,4 tỷ USD. Năm 2021, dự báo khách luân chuyển sẽ giảm 50% so với năm 2019 và số lỗ dự kiến của ngành hàng không là 57,8 tỷ USD.
Con số lỗ lớn đến từ việc các hãng hàng không phải cắt giảm hoạt động cốt lõi là vận tải hành khách do dịch bệnh, song song đó vẫn phải tiếp tục chi trả các khoản phí cố định rất lớn như phí bảo dưỡng máy bay, phí sân đỗ, nhân sự... cùng các khoản vay khổng lồ từ việc thuê, mua máy bay trước đó. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều hãng hàng không đã tuyên bố phá sản hoặc dừng hoạt động vĩnh viễn, trong đó có những tên tuổi lớn như Thai Airways (Thái Lan), Virgin Australia (Úc), AirAsia Japan (Nhật Bản), Norwegian Air (Na Uy), Cathay Dragon (Hong Kong), Philippine Airlines (Philippines),...
Đứng trước những thách thức đó, đồng thời hiểu rõ tầm quan trọng của ngành hàng không, nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai những biện pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19. Việc hỗ trợ được triển khai dưới nhiều hình thức như cho vay, tài trợ bằng vốn chủ sở hữu, trợ cấp lương, giảm thuế, phí...
Một số nước còn thể hiện cả hai vai trò của Nhà nước bao gồm vai trò quản lý đối với ngành hàng không thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng cho toàn bộ các hãng hàng không, và vai trò chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các hãng hàng không quốc gia thông qua các gói hỗ trợ đặc thù.
Theo cập nhật của IATA vào đầu tháng 10/2021, Chính phủ các quốc gia đã hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không toàn cầu 243 tỷ USD, bao gồm các khoản: hỗ trợ lương không hoàn lại (81 tỷ USD); cho vay có hoàn lại hoặc hoãn thanh toán (73 tỷ USD); hỗ trợ không hoàn lại trực tiếp như tiền, mua cổ phần... (38 tỷ USD); bảo lãnh vay nợ (26 tỷ USD); hỗ trợ thuế doanh nghiệp, thuế phí vé máy bay (25 tỷ USD); các hỗ trợ khác như thuế nhiên liệu (1 tỷ USD).
Ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đối với thị trường hàng không Việt Nam thậm chí còn lớn hơn thiệt hại bình quân của thế giới dù trước Covid-19, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại thị trường quốc tế, từ cuối tháng 3/2020, hoạt động chở khách thường lệ của các hãng bay Việt Nam hoàn toàn bị ngưng trệ, các đường bay quốc tế gần như bị tê liệt, ngoại trừ số lượng ít các chuyến bay chở hàng hóa, đưa đồng bào hồi hương và chở khách chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam.
Tại thị trường nội địa, năm 2020 là giai đoạn khó khăn chưa từng có trước đó, song năm 2021 lại là một năm khó khăn hơn khi liên tiếp nhiều đợt dịch bùng phát khiến nhu cầu đi lại sụt giảm, đặc biệt trong các dịp cao điểm của ngành hàng không là Tết Nguyên đán và hè làm doanh thu của các hãng hàng không giảm mạnh. Nghiêm trọng nhất là đợt bùng phát từ cuối tháng 4/2021 khiến các hãng hàng không chưa thể khôi phục hoàn toàn hoạt động vận tải hành khách nội địa.
Năm 2020, tổng thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm gần 56% so với năm 2019. Theo tính toán của Vietnam Airlines, dự báo con số này của năm 2021 sẽ chỉ bằng 40% năm 2020 và 20% năm 2019. Cụ thể, tổng thị trường ước đạt gần 15 triệu lượt khách, trong đó thị trường quốc tế là hơn 400 nghìn lượt khách, bằng 1,3% năm 2019, và thị trường nội địa là 14,4 triệu lượt khách, xấp xỉ 39% năm 2019.
Mặc dù hoạt động vận tải sụt giảm, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi và năng lực sản xuất chỉ ở mức rất thấp, nhưng do tính chất đặc thù của ngành hàng không, các hãng bay vẫn phải trả chi phí cố định rất lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ và các chi phí duy trì hoạt động khác. Điều này khiến các hãng hàng không phải tiếp tục đối diện với nguy cơ suy kiệt về tiền mặt và gia tăng nợ phải trả quá hạn.
Ngoài các tác động trực tiếp về mặt tài chính và dòng tiền, các hãng bay cũng phải đối mặt với không ít vấn đề liên quan đến môi trường sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn như dư thừa nguồn lực tàu bay, cạnh tranh về giá vé, thậm chí bán dưới giá thành để có dòng tiền.
“Những vấn đề này sẽ có tác động lâu dài, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa so với các hãng hàng không nước ngoài. Đây đều là các hệ quả đến từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không Việt Nam”, Vietnam Airlines nhận định.
Bảo vệ năng lực chung của ngành hàng không Việt
Thời gian qua, bên cạnh nỗ lực tự thân của các hãng hàng không, Chính phủ Việt Nam và các cấp, các ngành đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ ngành hàng không với quy mô lớn, đồng bộ.
“Sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn với các hãng hàng không trong bối cảnh khó khăn hiện nay, góp phần giúp các hãng cắt giảm chi phí, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh”, Vietnam Airlines đánh giá.
Theo hãng hàng không quốc gia, điển hình một số chính sách đã triển khai cho ngành hàng không như hỗ trợ giảm 30% thuế bảo vệ môi trường cho giai đoạn 2021-2021, giảm 50% phí hạ cất cánh điều hành bay nội địa 2020-2021, kiểm soát việc thành lập các hãng hàng không mới trong giai đoạn Covid-19 tạm thời đến hết 2022...
Đối với Vietnam Airlines, trong vai trò chủ sở hữu, Chính phủ đã có gói giải pháp 12.000 tỷ đồng để tạo đà cho Vietnam Airlines vượt qua khó khăn và phục hồi, đồng thời cho phép trích khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng máy bay, động cơ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo các tổ chức quốc tế cũng như đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, khó khăn mấu chốt mà ngành hàng không phải đối mặt hiện nay nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch Covid-19. Do đó, kể cả khi thực hiện tất cả giải pháp nội lực và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, với tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài như hiện tại, ngành hàng không chắc chắn sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục.
Đứng trước tình hình đó, các hãng hàng không đều hy vọng Nhà nước tiếp tục có những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp, chuẩn bị hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Theo đó, Vietnam Airlines nhấn mạnh, việc điều tiết thị trường hàng không để hướng đến sự khôi phục, phát triển bền vững là rất quan trọng.
Một số vấn đề liên quan và mang tính cấp thiết hiện nay có thể kể đến như: xem xét phê duyệt cấp phép kinh doanh vận tải hàng không cho hãng hàng không mới và cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với khả năng vận hành của các hãng, năng lực hạ tầng sân bay và tốc độ tăng trưởng của thị trường; điều tiết giá vé phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không, chống bán phá giá để đảm bảo các hãng cạnh tranh lành mạnh, không làm suy yếu và triệt tiêu lẫn nhau.
“Mục đích của chính sách này là nhằm bảo vệ năng lực chung của cả ngành hàng không Việt Nam trước các hãng nước ngoài; cân đối giá vé máy bay với giá các loại hình vận tải khác; mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước”, Vietnam Airlines đánh giá.
Nhóm giải pháp thứ hai, theo Vietnam Airlines, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét duy trì và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, duy trì hoạt động liên tục và tạo đà phát triển cho các hãng hàng không thông như hỗ trợ giảm thuế phí nộp ngân sách nhà nước, giảm thêm về thuế bảo vệ môi trường, giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không, hỗ trợ người lao động bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh Chính phủ.
Nhóm giải pháp thứ ba – được coi là những điều kiện căn bản nhất để ngành hàng không có cơ hội phục hồi là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch hiệu quả.
Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước cần có sự chung tay phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực hàng không để có chính sách riêng cho lĩnh vực này nhằm xây dựng sản phẩm dịch vụ an toàn, đồng thời cần có hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa đường bay theo từng giai đoạn để các hãng chủ động xây dựng kế hoạch khai thác, hạn chế tình trạng mở bán vé ồ ạt hay giảm giá vé sâu làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các hãng và lợi ích của khách hàng.
Vietnam Airlines cho rằng, các cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, để quản lý tiêu chuẩn phòng chống dịch, đồng bộ hóa và kiểm soát dữ liệu tiêm chủng hiệu quả nhằm tối ưu công tác quản lý của các cơ quan cũng như hãng hàng không, giúp khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn trong quá trình đi máy bay và trải nghiệm dịch vụ.
Cuối cùng, với tư cách là Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines muốn có các phương án tạo điều kiện cho hãng thực hiện vai trò chủ lực của doanh nghiệp nhà nước và của Hãng hàng không Quốc gia trong lĩnh vực hàng không, thực hiện được các chiến lược kinh doanh và đầu tư đã hoạch định, đóng góp xứng đáng trong sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.