Doanh nghiệp
Vietnam Airlines phục hồi với những kỳ vọng mới
Anh Minh - 05/04/2022 14:20
Những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 đang dần đến với Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) trong năm 2022.
Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines đã tích cực hơn trong quý IV/2021.

Mặc dù vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do những tác động dai dẳng của dịch Covid-19 và giá nhiên liệu bay nhưng triển vọng phục hồi là đã rõ nét hơn đối với hãng hàng không quốc gia nếu tham chiếu với kết quả kinh doanh quý IV/2021 vừa được Vietnam Airlines công bố.

Giảm lỗ vượt kỳ vọng

Theo đó, doanh thu quý IV/2021 của Vietnam Airlines đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, luỹ kế cả năm doanh thu đạt 28.093 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty mẹ trong quý IV/2021 lỗ 1.432,5 tỷ đồng, giảm lỗ 44,7% so với quý IV/2020; lỗ hợp nhất quý IV/2021 ở mức 1.184 tỷ đồng, giảm lỗ 58,6% so với quý IV/2020.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, người phụ trách quản trị - Thư ký Tổng công ty cho biết, lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2021 tại Báo cáo tài chính Công ty mẹ và Báo cáo tài chính hợp nhất giảm mạnh so với quý IV/2020 đến từ nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, trong quý IV/2021, Chính phủ đã triển khai tiêm chủng vaccine nhanh chóng, đồng thời nới lỏng các quy định về nhập cảnh, cách ly y tế giúp người dân, kiều bào về ăn Tết đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines khai thác trở lại các đường bay thường lệ. Việc nhiều đường bay trên trục Bắc - Nam được mở lại với tần suất khai thác dần về mức trước đại dịch đã giúp các hãng hàng không cải thiện đáng kể dòng tiền và lợi nhuận.

Đối với Vietnam Airlines, tổng doanh thu và thu nhập khác trong quý IV/2021 của Công ty mẹ tăng 9,1% so với quý IV/2020 (tăng hơn 593,8 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu tài chính tăng 32% và thu nhập khác tăng mạnh 151% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tổng chi phí quý IV/2021 của Công ty mẹ giảm 6,2% tương đương giảm 562,5 tỷ đồng so với quý IV/2020 chủ yếu là do chi phí thuê tàu bay được đối tác hỗ trợ giảm giá, giãn hoãn thanh toán. Tổng doanh thu và thu nhập khác của quý IV/2021 tăng trong khi tổng chi phí giảm dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ giảm lỗ được hơn 1.155 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo ông Thủy, lỗ sau thuế hợp nhất quý IV/2021 giảm so với quý IV/2020 chủ yếu do giảm lỗ của Công ty mẹ và cải thiện một phần thu nhập từ các công ty con.

Những kết quả kinh doanh tương đối tích cực của Vietnam Airlines trong quý IV/2021 đã góp phần cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh toàn tổng công ty trong cả năm 2021 vốn được đánh giá đặc biệt khó khăn với ít nhất 4 tháng cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội.

Tính tổng cộng, trong cả năm tài chính 2021, Vietnam Airlines lỗ 13.023 tỷ đồng , giảm khoảng 1.500 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 đã trình Đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines. Bên cạnh đó, do tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều cải thiện cùng với việc phát hành thành công cổ phiếu tăng vốn trong 2021 nên đã giúp Vietnam Airlines không bị âm vốn chủ sở hữu.

Đây là cố gắng rất lớn của Vietnam Airlines nếu biết rằng rất nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã phải gánh chịu những khoản thua lỗ kỷ lục trong năm 2021.

Cụ thể, American Airlines báo cáo khoản lỗ 2 tỷ USD trong năm 2021(riêng quý IV/2021, lỗ 931 triệu USD). International Airlines Group (tập đoàn sở hữu các hãng Bristish Airways của Anh và Iberia của Tây Ban Nha) ước tính khoản lỗ năm 2021 là 2,97 tỷ euro (tương đương 3,3 tỷ USD). Japan Airlines dự báo khoản lỗ ròng trong năm tài chính 2021 là 146 tỷ yên (tương đương 1,3 tỷ USD). Air China thông báo mức lỗ quý 4/2021 lên tới 6,32 tỷ nhân dân tệ đẩy mức lỗ cả năm 2021 lên 16,6 tỷ nhân dân tệ.

Giai đoạn phục hồi

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa công bố đầu tháng 3/2022, thị trường hàng không sẽ phục hồi hoàn toàn với dự kiến ​​tổng số hành khách sẽ đạt 4 tỷ vào năm 2024, vượt giai đoạn trước khi có dịch Covid-19.

Cũng theo dự báo của IATA, năm 2022, thị trường nội địa sẽ phục hồi khoảng 93%. Trong khi đó kế hoạch phục hồi thị trường nội địa Việt Nam là 96%, cao hơn mức trung bình dự đoán. Cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam thuộc top đầu thế giới cũng được các chuyên gia đánh giá là sẽ giúp ngành du lịch trong nước bùng nổ trong quý 2/2022, qua đó tạo ra những lực đẩy mới cho ngành hàng không phục hồi nhanh hơn.

Đối với Vietnam Airlines, để thể hiện vai trò chủ đạo, dẫn dắt và định hướng cho sự phát triển của ngành hàng không nước nhà, Vietnam Airlines đã luôn tiên phong, đồng hành cùng các Bộ Ngành trong các chương trình kích cầu, mở đường bay mới và hưởng ứng các chương trình của Chính phủ.

Cụ thể, từ 27/3/2022, Vietnam Airlines đã khai thác 55 đường bay, nhiều hơn 16 đường bay so với năm 2019. Đối với các đường bay quốc tế, Tổng công ty đã khôi phục hoàn toàn hoạt động bay thường lệ tới 15 thị trường truyền thống, ngoại trừ Trung Quốc do chính sách mở cửa và Myanmar do bất ổn chính trị và dự kiến sẽ mở thêm 3 đường bay mới tới Singapore, 2 đường bay mới tới Ấn Độ từ tháng 4/2022 cũng như khôi phục 80% số đường bay thường lệ từ tháng 7/2022 cũng như nghiên cứu mở thêm đường bay tới Philippine trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ có hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ngành, trong thời gian vừa qua, Tổng công ty đã chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt trong điều hành hoạt động kinh doanh để ứng phó và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh; tận dụng tối đa sự chia sẻ và hỗ trợ của các đối tác, nhà cung cấp để duy trì hoạt động liên tục. Trong đó, kết quả kinh doanh quý 4/2021 đã cho thấy, Vietnam Airlines đã có hướng đi đúng, có sự chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong năm 2022.

“Mặc dù còn nhiều rào cản cần phải vượt qua nhưng với sự thích ứng ngày một linh hoạt, sự chủ động trong tìm kiếm lối đi, năm 2022 sẽ là giai đoạn chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của Vietnam Airlines sau cơn bạo bệnh từ dịch Covid-19”, một chuyên gia hàng không nhận định.

Tin liên quan
Tin khác