Xã hội hóa để phát triển
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có văn bản đồng ý về chủ trương của Vietnam Airlines về việc tham gia góp vốn thành lập hãng hàng không mới hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
“Người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines sau đó sẽ có trách nhiệm tham gia biểu quyết thành lập công ty cổ phần hàng không mới, phối hợp với HĐQT Vietnam Airlines và các nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện việc góp vốn, thành lập doanh nghiệp mới theo đúng trình tự, quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch”, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết.
Vasco dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ quý II/2016 |
Trước đó, theo Đề án Thành lập hãng hàng không mới theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Chi nhánh của Vietnam Airlines). Công ty cổ phần hàng không sẽ có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng, quy mô đội tàu bay dưới 10 chiếc sẽ chính thức đi vào hoạt động từ quý II/2016.
Tại doanh nghiệp cổ phần này, Vietnam Airlines dự kiến nắm giữ 51% vốn điều lệ thông qua việc góp vốn bằng tài sản hiện hữu do đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR72.
“Giá trị tài sản góp vốn được định giá bởi Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC), là đơn vị thẩm định giá chuyên nghiệp theo phê chuẩn của Bộ Tài chính”, ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn Vietnam Airlines khẳng định.
Lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết về lý thuyết có 2 phương án chuyển đổi Công ty Bay dịch vụ hàng không sang mô hình công ty cổ phần.
Một là, chuyển chi nhánh này thành mô hình Công ty TNHH MTV, sau đó chuyển thành công ty cổ phần. Hình thức thứ hai là sử dụng chính nguồn lực của chi nhánh này để góp vốn thành lập công ty cổ phần.
“Nếu chúng ta chuyển đổi thành công ty cổ phần, đánh giá lại tài sản và giữ nguyên phần vốn nhà nước hiện nay, phát hành thêm cổ phiếu và có cổ đông khác mua thì cũng không khác gì phương án Vietnam Airlines vừa đề xuất, nhưng thời gian và thủ tục kéo dài hơn khá nhiều”, ông Minh phân tích.
Nhà đầu tư tài chính được chọn
Hiện Vietnam Airlines đã lựa chọn Ngân hàng TMCP Kỹ Thương - Techcombank làm cổ đông tham gia sáng lập công ty cổ phần hàng không với tỷ lệ vốn điều lệ dự kiến nắm giữ là 49% vốn điều lệ.
Cùng với Vietcombank, Techcombank đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép đầu tư vào lĩnh vực hàng không và hiện đang là cổ đông lớn của công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam”.
Techcombank đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietnam Airlines, cam kết cùng Vietnam Airlines hoàn tất quá trình tái cơ cấu, trong đó có việc xây dựng phát triển Vasco đang hoạt động chưa hiệu quả.
Theo quan điểm của Bộ GTVT, việc lựa chọn Techcombank tham gia góp vốn thành lập hãng hàng không cổ phần là phù hợp với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, tạo nhân tố thuận lợi hỗ trợ nguồn lực tài chính, đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu và hoạt động kinh doanh của Vasco thành công, hiệu quả.
“ Vasco đã có kinh nghiệm về vận tải hàng không. Cái họ cần là một nhà đầu tư có nguồn lực tài chính để có thể thúc đẩy phát triển chứ không phải là cứ phải chọn một nhà đầu tư chuyên về hàng không. Họ thiếu gì thì sẽ bổ sung cái đó”, ông Minh chia sẻ.
Sau khi được thành lập, hãng hàng không cổ phần mới sẽ kế thừa bộ máy, nguồn lực, kinh nghiệm sẵn có của Vasco và tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ máy tổ chức của hãng hàng không cổ phần sẽ có sự tham gia của đại diện Techcombank với chức danh Chủ tịch HĐQT và giám đốc điều hành được cử từ Vietnam Airlines nhằm tận dụng kinh nghiệm và đảm bảo khả năng điều hành khai thác hãng hàng không.
Liên quan đến kế hoạch kinh doanh của hãng hàng không mới, 2 cổ đông sáng lập xác định hãng hàng không cổ phần sẽ tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp các chặng bay đi/đến các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực (B777, A320/A321) như Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên...
Đây là các đường bay này có ý nghĩa phát triển chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương và hiệu quả kinh tế của đề án đã được tính toán phù hợp với mô hình hoạt động của một hãng hàng không độc lập cũng như đặc thù của đường bay sẽ khai thác.
Về ý kiến cho rằng, Vietnam Airlines xác định hiệu quả kinh tế của Vasco cho giai đoạn đầu 2016 -2018 chỉ có 1,94 tỷ đồng là thấp so với quy mô vốn điều lệ tối thiểu là 300 tỷ đồng của công ty này, ông Minh cũng cho rằng mức lợi nhuận này có thể là “hơi khiêm tốn”.
“Chúng ta phải lưu ý rằng, Vasco hiện tại chỉ là một đơn vị hạch toán phụ thuộc, sắp xếp lại để thành lập một công ty cổ phần. Thời gian đầu sẽ có những khó khăn nhất định do phải tập trung đầu tư, hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức. Chắc chắn chi phí đầu tư giai đoạn đầu sẽ cao và sẽ giảm dần trong những năm tiếp theo”, ông Minh nói.