Vinachem cho biết vừa bán 9,1 triệu cổ phiếu DGC đã đăng ký bán.
Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh, thời gian từ 8/11 đến 7/12. Trước đó, Vinachem đăng ký bán toàn bộ 15,1 triệu cổ phiếu DGC mà tập đoàn này đang sở hữu. Nguyên nhân không bán hết được công ty lý giải là do thị trường chứng khoán biến động mạnh.
Sau giao dịch, Tập đoàn còn sở hữu 6 triệu cổ phiếu, tương đương 3,53% vốn Hóa chất Đức Giang, không còn là cổ đông lớn của DGC.
Trong thời gian Vinachem thực hiện giao dịch, cổ phiếu DGC biến động trong vùng giá 155.000 đồng/cổ phiếu đến 170.000 đồng/cổ phiếu. Tạm tính ở vùng giá bình quân, tập đoàn hóa chất thu về 1.500 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với ước tính trước đó.
Trước đó vào cuối năm 2019, Vinachem từng đưa hơn 11,45 triệu cổ phiếu DGC ra đấu giá với giá khởi điểm 49.100 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ bán được vỏn vẹn 200 cổ phần do thị giá trên thị trường của DGC khi đó chỉ khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu.
Mới đây, Vinachem cũng thông báo ngày 31/12 tới đây sẽ đấu giá 21,2 triệu cổ phiếu của cổ phần CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX:LAS), tương đương 18,82% vốn với giá khởi điểm 27.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị bán ra khởi điểm là xấp xỉ 603 tỷ đồng.
Hiện tại, Vinachem đang sở hữu gần 78,8 triệu cổ phiếu LAS, tương ứng 69,82% vốn điều lệ. Nếu việc đấu giá thành công, tỷ lệ sở hữu của Vinachem tại LAS sẽ giảm nắm giữ xuống mức 51%.
Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 10/12, giá cổ phiếu LAS giao dịch ở mức 24.500 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng qua.
Ngoài thoái vốn khỏi 2 doanh nghiệp trên, Vinachem cho biết, những tháng cuối năm 2021, Vinachem đang tập trung khẩn trương thoái vốn khỏi Công ty Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì (Tập đoàn hiện giữ 68,5% cổ phần, kế hoạch thoái còn 51%) và thoái sạch vốn khỏi Công ty Xuất nhập khẩu Hóa chất (Tập đoàn hiện giữ 26,28% cổ phần).
Báo cáo của Vinachem cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn ước đạt 35.134 tỷ đồng, tương đương 83,4% kế hoạch năm và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu 37.217 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 84,4% và tăng 26,2%.
Lợi nhuận cộng hợp 312 tỷ đồng. Trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lỗ 1.047 tỷ đồng, giảm lỗ 1.869 tỷ đồng so với 9 tháng 2020; các đơn vị còn lại lãi 1.360 tỷ đồng, tăng 17,8%. Các đơn vị thuộc Đề án 1468 bao gồm dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.
Các đơn vị có lãi tăng mạnh trong 9 tháng như Phân bón Miền Nam tăng 318,8%, Hóa chất Việt Trì tăng 105,9%, Phân bón Bình Điền tăng 41,5%, Cao su Đà Nẵng tăng 31,5%. Ngoài ra, Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao và DAP – Vinachem đều có lãi trong khi cùng kỳ năm ngoái thua lỗ.