Sức khỏe doanh nghiệp
Vinaconex ITC khát vốn triển khai Dự án Cát Bà Amatina
Duy Bắc - 19/03/2024 08:33
Bị công ty mẹ rút 2.200 tỷ đồng khi dự án đang trong giai đoạn triển khai, Vinaconex ITC lên kế hoạch bán một phần Dự án Cát Bà Amatina, cũng như tìm đối tác tài chính để có thể bổ sung nguồn vốn.

Siêu dự án Cát Bà Amatina triển khai không gặp thời

Ấp ủ Dự án Cát Bà Amatina trong nhiều năm, đặc biệt là trước khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG), siêu dự án này chưa thể triển khai.

Tuy nhiên, tới cuối năm 2018, SCIC thoái toàn bộ 254,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 57,71% vốn tại Vinaconex. Tháng 11/2020, sau khi ổn định lại cơ cấu cổ đông, Công ty con của Vinaconex là CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã VCR) mới chính thức khởi công Dự án Cát Bà Amatina.

Theo thiết kế ban đầu, Dự án Cát Bà Amatina có tổng diện tích 172,38 ha, nằm ở đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng), với vốn đầu tư dự kiến 10.941 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020 đến 2025. Trong đó, Cát Bà Amatina được kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị nghỉ dưỡng xanh - thông minh - đẳng cấp của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc triển khai Dự án đúng giai đoạn Covid-19 lây lan toàn cầu, kéo theo nhu cầu du lịch suy giảm. Hậu đại dịch, dù nhu cầu du lịch hồi phục, nhưng các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp cú sốc bất động sản nghỉ dưỡng, nhu cầu đất ở chỉ đến từ các thành phố lớn, hoạt động đầu cơ suy giảm.

Thực tế, chủ đầu tư Dự án Cát Bà Amatina là Vinaconex ITC đã bắt đầu ghi nhận doanh thu từ năm 2022, 2023, nhưng lợi nhuận vẫn suy giảm. Trong đó, năm 2023, ghi nhận doanh thu giảm 82,2%, về 33,22 tỷ đồng và lợi nhuận lỗ 286,7 tỷ đồng.

Trong khi Vinaconex ITC vẫn trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư và triển khai Dự án Cát Bà Amatina, thì công ty mẹ Vinaconex lại có động thái rút vốn.

Cụ thể, cuối năm 2023, Vinaconex ITC đã phải trả lại 2.200 tỷ đồng hợp tác đầu tư cho Vinaconex. Đây là khoản tiền hợp tác đầu tư phân khu CT02 và Hạ tầng kết nối phân khu CT02 tại Dự án Cát Bà Amatina đã hợp tác từ ngày 10/6/2021.

Theo cam kết hợp tác ban đầu, Vinaconex góp 2.200 tỷ đồng bằng tiền mặt, được hưởng 50% lợi nhuận từ phân khu CT02, đồng thời Vinaconex ITC đảm bảo lợi nhuận phân chia cho Vinaconex trong thời gian hợp tác đầu tư không thấp hơn 15%/năm trên số dư thực tế mức góp vốn đầu tư của Vinaconex theo từng thời điểm và phân khu CT02.

Khi dự án chưa triển khai xong, đồng thời chưa có lợi nhuận để chia, việc phải trả lại vốn 2.200 tỷ đồng đã làm phát sinh chi phí tài chính của Vinaconex ITC lên tới 277,1 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc Vinaconex ITC ghi nhận lỗ kỷ lục trong năm 2023.

Bước sang năm 2024, Vinaconex ITC dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn trong trạng thái ảm đạm, chưa thể phục hồi do sức cầu thị trường chưa được cải thiện. Chính vì vậy, việc triển khai kinh doanh các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại của Dự án trong năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường khó hấp thụ.

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cũng đã xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT tại Vinaconex ITC từ ngày 23/1/2024.

Việc ông Thanh rời ghế Chủ tịch Vinaconex ITC cũng đặt ra cho giới quan sát những dấu hỏi về việc liệu Vinaconex có quyết tâm triển khai và bơm vốn cho Vinaconex ITC để triển khai tiếp Dự án Cát Bà Amatina hay không.

Vinaconex ITC để ngỏ khả năng bán một phần Dự án Cát Bà Amatina

Thực tế, sau khi bị Vinaconex rút 2.200 tỷ đồng, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Vinaconex ITC chỉ còn 22,3 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 0,4% tổng tài sản; tổng nợ vay lên tới 1.831,6 tỷ đồng, bằng 114,1% vốn chủ sở hữu; đang sử dụng 1.683 tỷ đồng nợ ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm); lỗ luỹ kế tới 517,98 tỷ đồng, bằng 24,7% vốn điều lệ.

Với tình hình tài chính hiện tại, để tiếp tục triển khai Dự án Cát Bà Amatina, Vinaconex ITC đã trình cổ đông thông qua phương án đầu tư, kinh doanh theo hình thức chuyển nhượng một phần dự án cho nhà đầu tư khác để tiếp tục đầu tư, kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp tác với bên thứ ba để triển khai bán hàng…

Ngoài ra, Vinaconex ITC sẽ tiếp tục làm việc với tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư có năng lực tài chính để tài trợ vốn thực hiện dự án.

Có thể thấy, trong bối cảnh nhu cầu vốn cao, bị công ty mẹ rút vốn, Vinaconex ITC buộc phải xem xét bán đi một phần Dự án Cát Bà Amatina, cũng như tìm đối tác tài chính mới để có thể bổ sung và tiếp tục triển khai siêu dự án này.

Tin liên quan
Tin khác