TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam trúng thầu bán 800.000 tấn gạo cho Philippines | |
Gạo đang bị làm giá | |
150 thương nhân được phép xuất khẩu gạo | |
Sản xuất lúa gạo và những kịch bản khôn ngoan |
Hàng trăm tỷ đồng vốn nhà nước thất thoát tại Vinafood 2 tương đương với hàng trăm ngàn tấn gạo của người dân bị "bốc hơi" |
Vinafood2 “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng: Ai chịu trách nhiệm?
Mới đây, báo cáo kiểm soát viên của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) bị rò rỉ khiến dư luận bàng hoàng.
Trong tổng số 44 công ty thành viên (14 đơn vị trực và 30 đơn vị liên kết, công ty TNHN) thì có tới 19 đơn vị thua lỗ chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013. Số tiền thua lỗ và nợ khó đòi của các đơn vị lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đơn vị đứng trước bờ vực phá sản, đồng nghĩa với hàng trăm tỷ đồng vốn Nhà nước có nguy cơ bị “bốc hơi”.
Một số đơn vị thua lỗ là nặng là Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh lỗ 164,66 tỷ đồng; Công ty Lương thực Trà Vinh lỗ 134,52 tỷ đồng; Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang lỗ 83,19 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bạc Liêu lỗ 42,34 tỷ đồng; Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang lỗ 25,13 tỷ đồng; Công ty Lương thực Bến Tre lỗ 1,35 tỷ đồng; Công ty Lương thực Sóc Trăng lỗ 2,7 tỷ đồng.
Trong số đó, Công ty Lương thực Trà Vinh, An Giang và Bạc Liêu đã bị rơi vào nhóm đối tượng phải giám sát tài chính do nợ xấu cao, mất khả năng thanh toán bằng nguồn vốn chủ sở hữu, mất khả năng tự chủ về tài chính, khả năng không trả được nợ rất cao.
Đáng lưu ý, báo cáo chỉ ra những sai phạm vô cùng nghiêm trọng trong quá trình kinh doanh của các công ty trên như: trả tiền trước khi nhận hàng, ký khống phiếu xác nhận nhập kho rồi cho công ty khác mượn hàng đem bán với số lượng lớn, ký hợp đồng vượt khung cho phép… Tuy nhiên, lãnh đạo Vinafood 2 chủ yếu chỉ xử lý theo hình thức phê bình, kiểm điểm khiến thất thoát vốn ngày càng nặng nề.
Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về thất thoát vốn xảy ra tại các công ty con của Vinafood 2? Dĩ nhiên, lãnh đạo từng công ty thành viên sẽ phải chịu trách nhiệm thu hồi nợ. Song lãnh đạo và cựu lãnh đạo Vinafood 2 cũng không thể vô can.
Số nợ xấu và thua lỗ lên tới gần 1.000 tỷ đồng, trong đó số vốn nhà nước có thể “bốc hơi” lên tới hàng trăm tỷ đồng là tương đương với hàng trăm ngàn tấn gạo mà người nông dân phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm ra. Với số tiền lớn như vậy, ngay cả khi nếu Vinafood 2 bỏ hết tiền lãi năm 2012 ra để trả nợ thì cũng không đủ để bù đắp. Số còn lại, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Được biết, trong số 19 công ty thành viên thua lỗ, chưa có lãnh đạo công ty nào bị Vinafood 2 buộc từ chức. Trong khi đó, ngày 7/4 vừa qua, nguyên Tổng giám đốc của Vinafood 2, ông Trương Thanh Phong đã về hưu. Ông Huỳnh Thế Năng (ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang) được bổ nhiệm chức thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Vinafood 2.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn ngày 6/5, ông Đỗ Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sang tuần sau, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có văn bản chính thức về các giải pháp xử lý tình trạng tại Vinafood 2. Khi đó, Bộ sẽ thông báo rộng rãi cho báo chí biết. Hiện Bộ đang làm rõ tình hình thua lỗ tại Vinafood 2 để có hướng xử lý.
Trả lời câu hỏi về việc có hay không những sai phạm tại Vinafood 2, ông Nam cho rằng, nói rằng "thực trạng thua lỗ tại Vinafood 2 thì đúng hơn là sai phạm, trong quá trình kinh doanh, lỗ hay lãi là chuyện bình thường”. Dù vậy, ông Nam cũng cho hay, nếu phát hiện các sai phạm, Bộ sẽ kiên quyết xử lý vì đây là tiền vốn của Nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, lỗi của Vinafood 2 là quản lý các công ty con quá yếu kém, lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng thua lỗ nặng nề. Và một khi đã để xảy ra thất thoát vốn Nhà nước, không thể nói lời lỗ là chuyện thương trường mà người quản lý phải gánh phần trách nhiệm, dù còn đương nhiệm hay đã nghỉ hưu.
Công ít, tội nhiều, lương vẫn “khủng”
Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Vinafood 2 là hai “ông lớn” của ngành lương thực, thực phẩm của cả nước. Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, hai ông lớn này, đặc biệt là Vinafood 2 gần như độc quyền, một mình một chợ, suốt một thời gian dài chi phối xuất khẩu gạo của cả nước.
Tuy Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam (VFA) là đầu mối xuất khẩu gạo của cả nước, song nhiều năm liền, lãnh đạo VFA cũng là lãnh đạo Vinafood 2. Chính vì vậy, không có gì khó hiểu khi Vinafood 2 nắm giữ vị trí thống lĩnh trong xuất khẩu gạo cùng với nhiều hợp đồng lớn, nhiều đặc quyền, đặc lợi, nhất là vay vốn không lãi suất để mua lúa, chế biến, xuất khẩu gạo.
Dù được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, song Vinafood 2, với tư cách là một Tổng công ty nhà nước lại hoạt động như một con buôn thuần túy mà chưa thực hiện được vai trò hỗ trợ nông dân. Lợi tức từ xuất khẩu gạo rơi hầu hết vào Vinafood 2 thay vì chia sẻ cho nông dân.
Hiện thị trường lúa gạo đang ở thế độc quyền khi riêng Vinafood 1 và Vinafood 2 đã chiếm tới phân nửa thị phần xuất khẩu gạo của nước ta. Tình trạng này không chỉ làm các doanh nghiệp tư nhân bị chèn ép mà khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng.
Dù chiếm thị phần xuất khẩu lớn, song cả Vinafood 2 lẫn Vinafood 1 mới chỉ “hớt váng” thị trường lúa gạo để kiếm lời mà chưa đóng vai trò gì trong sự phát triển bền vững của ngành. Cụ thể, các doanh nghiệp này mới tham gia thu mua lúa gạo xuất khẩu mà chưa nghĩ đến chuyện tạo vùng nguyên liệu, đầu tư tiền vào vật tư, công nghệ… để giải quyết đầu ra cho bài bản. Nói cách khác, Vinafood hiện nay đang giống như một con buôn điển hình mà chưa làm tốt vai trò của một DNNN.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, nếu cơ chế hoạt động của hai Tổng công ty lương thực và cơ chế xuất khẩu thông qua các Tổng công ty được giữ nguyên thì các doanh nghiệp xuất khẩu tư nhân sẽ ngày càng bị ép, không thể phát triển được. Sự việc càng tồi tệ hơn bởi các tổng công ty thường phụ thuộc vào các hợp đồng Chính phủ, ký các hợp đồng cung cấp gạo tập trung với giá thấp, từ đó ép giá gạo xuất khẩu thương mại xuống thấp theo, gây thiệt hại cho người nông dân.
Nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) cho thấy, người nông dân hiện chưa được hưởng lợi 30% từ sản xuất lúa gạo như mục tiêu Chính phủ đề ra. Lợi nhuận thu về từ hạt lúa đang rơi hết vào túi thương lái và lãnh đạo một số công ty lớn.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố năm ngoái cho thấy, thu nhập bình quân của lãnh đạo Vinafood 2 gần 80 triệu đồng/tháng vào năm 2011. Thu nhập của lãnh đạo Vinafood 2 cũng 56,5 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả các khoản khác, mức thu nhập còn cao hơn.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về việc Vinafood 2 thua lỗ nặng nề, nhưng chi lương thưởng cao cho lãnh đạo có hợp lý không, ông Đỗ Văn Nam cho rằng, đây là hai việc khác nhau. “Khoản nào phải tính ra khoản nấy. Giai đoạn 2011- 2012 Vinafood 2 lãi lớn nên thưởng cao”, ông Nam lý giải.
Lãnh đạo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về việc những thua lỗ, nợ xấu tại Vinafood 2 là mới xảy ra trong năm 2013 hay đã lũy kế nhiều năm. Và việc để xảy ra thất thoát vốn nhà nước tại Vinafood 2 thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm.
Dư luận kỳ vọng, trong văn bản chỉ đạo sẽ ban hành tuần sau, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để thu hồi vốn Nhà nước tại Vinafood 2, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ để xảy ra sai phạm trong quản lý vốn Nhà nước.
VNF1 không được lấn sân sang bất động sản, ngân hàng (Baodautu.vn) Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VNF1 - Vinafood 1). Theo đó, VNF1 chỉ được kinh doanh những ngành nghề liên quan đến lương thực, thực phẩm, nông sản, không được lấn sân sang bất động sản, ngân hàng. |
Hà Tâm