Doanh nghiệp
Vinalines hạ chỉ tiêu kinh doanh năm 2020, chuyển từ lãi mỏng sang lỗ sâu
Anh Minh - 25/07/2020 08:20
Những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid – 19 tới thị trường vận tải biển thế giới đã khiến Vinalines phải điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông lần đầu.
Vinalines sẽ phải trông chờ vào các cảng biển để có thể cải thiện kết quả kinh doanh năm 2020.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa công bố bộ tài liệu Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) dự kiến diễn ra vào ngày 8/8.

Đáng chú nhất là ông lớn trong lĩnh vực hàng hải đã phải hạ một loạt các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu đã đề ra hồi đầu năm 2020.

Cụ thể, theo kế hoạch kinh doanh điều chỉnh trình Đại hội đồng cổ đông lần đầu, Công ty mẹ - Vinalines đặt doanh thu 1.526 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là âm 1.024,8 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 8 tháng đầu năm 2020 – thời điểm vẫn hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV lỗ 139,73 tỷ đồng, 4 tháng cuối năm 2020 – thời điểm chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần lỗ 885,11 tỷ đồng.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã giao người đại diện phần vốn tại Vinalines phải hoàn thành một số chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu, trong đó lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 51 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ đạt 0,42%; không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; kế hoạch vốn đầu tư không quá 390 tỷ đồng.

Ngoài tác động tiêu cực do dịch Covid – 19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, thanh lý các tàu biển;việc phải phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn DNNN chưa được xử lý lên tới hơn 940 tỷ đồng cũng khiến lợi nhuận dự kiến năm 2020 của Công ty mẹ chuyển từ lãi mỏng sang lỗ sâu.

Do gặp nhiều khó khăn, nên trong năm 2020, Công ty mẹ - Vinalines cũng sẽ chỉ đầu tư khoảng 456 tỷ đồng, bao gồm 113 tỷ đồng cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; 230 tỷ đồng cho các dự án mua sắm trang thiết bị…Đáng chú ý, năm 2020, Công ty mẹ - Vinalines sẽ phải trả cho Công ty Khoáng sản Hợp Thành 65 tỷ đồng tiền lợi ích của nhà đầu tư khi chuyển giao 65% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn.

Trong năm nay, Vinalines sẽ thanh lý 5 tàu biển, chủ yếu là các tàu đóng từ năm 1997 đến năm 2009 với giá trị thu về khoảng 175 tỷ đồng.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines cho biết, tổng doanh thu của các doanh nghiệp khối vận tải biển toàn Tổng công ty trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong khi chi phí bỏ ra đã lên tới 1.600 tỷ đồng.

“Quý I năm ngoái, dù gặp nhiều khó khăn, đội tàu của Vinalines vẫn mang lại khoản lợi nhuận 24 tỷ đồng, nhưng năm nay tình hình kinh doanh vận tải biển đặc biệt khó”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, đội tàu của Vinalines gồm 70 chiếc, hoạt động cả nội địa và quốc tế, nhiều tàu chạy hàng khu vực xa như châu Mỹ, châu Phi…, nhưng 3 tháng qua không có đơn hàng chạy về hay hai chiều, mà chủ yếu dừng neo chờ. Đội tàu dầu đang bị các đối tác trả hoặc yêu cầu giảm cước.

Trong khi đó, hàng container nội địa Bắc - Nam cũng đang giảm mạnh khoảng 20 - 30% chiều từ Hải Phòng vào TP.HCM; giá cước cũng giảm 10 - 20%, chỉ còn khoảng 5,5 triệu đồng/container 20 feet và 6 triệu đồng/container 40 feet (chiều Hải Phòng - TP.HCM) và khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/container 20 feet (chiều ngược lại). Hàng gom từ các cảng khác về cảng Cái Mép - Thị Vải để xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu cũng đang giảm khoảng 30 - 40% khiến một loạt tàu feeder (tàu gom hàng) trong cảnh “đói hàng”. Riêng mặt hàng khô, do các nhà máy, công trình xây dựng tạm dừng nên nhu cầu về nguyên vật liệu giảm sâu, giá cước giảm từ 230.000 đồng xuống còn 160.000 đồng/tấn.

Đáng lo ngại là do lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới cả hàng không và cảng biển tại nhiều quốc gia, đã khiến các tàu của Vinalines đang đợi hàng tại nước ngoài như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines không thể thay thuyền viên, thuyền viên không được lên bờ, việc cung cấp thực phẩm cho nhu cầu sinh hoạt rất khó khăn. Đặc biệt là nhiều thuyền viên đã và sắp hết hạn hộ chiếu phổ thông nhưng không thể thay thế, không thể gia hạn hộ chiếu, vi phạm quy định Công ước lao động hàng hải MLC- 2006 về thời hạn làm việc trên tàu, vi phạm quy định xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quốc gia.

“Theo báo cáo của các doanh nghiệp vận tải biển thành viên, có tình trạng thuyền viên đang trên tàu yêu cầu thay, đòi về, trong khi thuyền viên dự trữ không chấp nhận điều động xuống tàu”, đại diện Vinalines cho biết.

Được biết, không chỉ Vinalines, mà hầu hết các đội tàu biển lớn trên thế giới cũng đang phải hứng chịu những đợt sóng bất lợi từ Covid-19. Theo cập nhật mới nhất của Sea-Intelligence, ngành vận tải biển đang đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu vận chuyển container lên tới 6,4 triệu TEU trên phạm vi toàn cầu. Số lượng các chuyến trống và bị cắt giảm các tuyến vận tải chính của các hãng tàu ngày càng tăng, tính đến ngày 11/4 đã vượt qua con số 384 chuyến, tương đương khoảng 3 triệu TEU. Hiện việc hủy chuyến sẽ tiếp tục diễn ra và nhu cầu vận chuyển cả năm 2020 có thể giảm tới 20% so với năm 2019.

Tin liên quan
Tin khác