Doanh nghiệp
Vinasun quyết chọn taxi hybrid; Gelex hợp tác FPT; Danh Khôi mua một phần dự án ở Bình Phước
Khánh An tổng hợp - 16/06/2024 08:04
Vinasun ra mắt dịch vụ taxi hybrid; Gelex hợp tác FPT triển khai chuyển đổi số; Danh Khôi mua một phần dự án của đại gia Dũng 'lò vôi'; TNG huy động trái phiếu để trả lươngl Hai nhà máy đóng tàu ở Khánh Hòa nguy cơ phá sản.

TNG huy động 400 tỷ đồng trái phiếu, một nửa để trả lương

HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG vừa thông qua toàn văn phương án đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng. Theo đó, Công ty dự kiến chào bán lô trái phiếu mã TNGH2428001 gồm 4 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị 400 tỷ đồng. Thời gian dự kiến chào bán từ quý II-IV/2024, sau khi UBCKNN chấp thuận.

TNG dư kiến dùng 224 tỷ đồng từ 400 tỷ đồng trái phiếu để thanh toán tiền lương cho cán bộ công nhân viên

Trái phiếu có kỳ hạn 48 tháng, đáo hạn năm 2028, lãi suất cố định 9,5%/năm trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên; là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo một phần bằng tài sản. Tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán MB.

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu trên là 10 triệu cổ phiếu TNG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty, với giá trị được xác định 220,6 tỷ đồng.

Với 400 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt chào bán trái phiếu, TNG sẽ dùng 224 tỷ đồng thanh toán tiền lương cho cán bộ công nhân viên; 176 tỷ đồng thanh toán tiền nguyên phụ liệu, dịch vụ cho 28 nhà cung cấp. Thời gian giải ngân dự kiến từ quý 2/2024.

Quý I/2024, TNG ghi nhận doanh thu thuần nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1.354 tỷ đồng. Lãi ròng khoảng 42 tỷ đồng, giảm 4%.

Lãnh đạo TNG lạc quan thông tin về tình hình đơn hàng đang tăng trưởng tích cực.

Vinasun ra mắt dịch vụ Taxi Hybrid 

CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã ra mắt dịch vụ Taxi Hybrid, trở thành hãng taxi đầu tiên sử dụng ô tô dòng hybrid vào kinh doanh vận tải hành khách tại Việt Nam.

Vinasun ký kết hợp tác chiến lược cùng Toyota Việt Nam

Theo thông tin từ ĐHĐCĐ thường niên 2024, Vinasun dự định chi 630-650 tỷ đồng để đầu tư 700 xe hybrid của Toyota trong năm nay. Trong đó, 50% nguồn vốn đến từ các khoản tài trợ của ngân hàng. Nếu thuận lợi, công ty có thể nâng tổng số lượng xe đầu tư lên 1.000 chiếc.

Chia sẻ về lý do chọn xe hybrid thay vì xe điện như xu hướng, ông Đặng Thành Duy, Tổng giám đốc Vinasun cho rằng, thị trường Việt Nam còn đang trong quá trình hoàn thiện về cơ sở hạ tầng cũng như rủi ro về việc xử lí rác thải pin. “Vinasun quyết định chọn dòng xe Hybrid vì có thể giảm tới 50% nhiên liệu so với xe xăng, đồng thời không mất chi phí cơ hội thời gian chờ sạc điện. Bởi lẽ mỗi ngày, Vinasun cần tập trung các xe để kiểm tra trước khi vận hành, và hiện tại khó có nhiều trạm sạc có thể đáp ứng quy mô 40-50 xe/trạm của Vinasun cùng một lúc", ông Duy cho biết.

Trong khuôn khổ sự kiện, Vinasun cũng công bố việc ký kết hợp tác chiến lược cùng Toyota Việt Nam cho kế hoạch đầu tư 2.000 xe hybrid vào năm 2025, là một phần của chiến lược dài hạn hướng đến mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Gelex hợp tác FPT triển khai chuyển đổi số

Tập đoàn Gelex đã ký hợp tác với FPT để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mảng kinh doanh.

Gelex và FPT dự kiến hợp tác trong bốn lĩnh vực

Cụ thể, Gelex và FPT dự kiến hợp tác trong bốn lĩnh vực. Một là, hoạt động chuyển đổi số toàn diện từ cấp tập đoàn đến các công ty thành viên của Gelex. Hai là, FPT triển khai hạ tầng viễn thông cho các dự án bất động sản của đối tác (dân cư, văn phòng, khu công nghiệp). Ba là, hợp tác đầu tư triển khai các dự án trung tâm dữ liệu. Bốn là, hợp tác trong mảng bán dẫn, bao gồm xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu phát triển và liên danh mời các tên tuổi lớn về Việt Nam tham gia lĩnh vực.

Ông Nguyễn Trọng Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gelex cho biết chuyển đổi số được xác định là động lực để mở ra cơ hội đầu tư mới cho các lĩnh vực hạ tầng số, công nghiệp bán dẫn. "Chuyển đổi số sâu rộng, biến dữ liệu thành nhiên liệu là một trong những chiến lược quan trọng của chúng tôi. FPT với kinh nghiệm sẵn có sẽ là đối tác quan trọng trong tiến trình này", ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, trong năm 2023, chiến lược phát triển hệ sinh thái đối tác với các tập đoàn đa quốc gia như Fresers Property, Sembcorp Industries mang lại nhiều giá trị. Chiến lược này sẽ tiếp tục trong năm 2024 và các năm tiếp theo để đưa Gelex tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng và nâng cấp phân khúc sản phẩm cho các lĩnh vực cốt lõi. Đơn vị cũng đẩy mạnh xuất khẩu hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam.

Danh Khôi mua một phần dự án của đại gia Dũng 'lò vôi'

Tập đoàn Danh Khôi muốn huy động 1.000 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu, trong đó dự kiến dùng 195 tỷ đồng để mua lại một phần dự án Khu dân cư Đại Nam Bình Phước.

 Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên, CTCP Tập đoàn Danh Khôi dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để huy động 1.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chào bán trong năm nay, sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Mục đích chào bán để thanh toán các khoản nợ thuế quá hạn, gốc/lãi trái phiếu và nợ vay tại ngân hàng, đồng thời sẽ đầu tư mua lại các sản phẩm đất nền, bổ sung vốn lưu động...

Cụ thể, Danh Khôi dự kiến dùng 520 tỷ đồng để thanh toán tiền nợ thuế, nợ trái phiếu và 90 tỷ đồng tiền nợ vay tại ngân hàng BIDV. Ngoài ra, doanh nghiệp còn dự kiến dùng 105 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, doanh nghiệp còn dự kiến dùng 195 tỷ đồng để mua một phần dự án Khu dân cư Đại Nam (Chơn Thành, Bình Phước) và 180 tỷ đồng để mua một phần dự án Khu dân cư tiểu thủ công nghiệp thương mại dịch vụ Hàm Thắng - Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận).

Khu dân cư Đại Nam là dự án của Công ty TNHH MTV Tân Khai do ông Huỳnh Uy Dũng (còn được biết đến là Dũng "lò vôi") giữ vị trí Chủ tịch HĐQT làm chủ đầu tư

Hai thương vụ này dự kiến được Danh Khôi triển khai trong quý IV/2024 và năm 2025.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn dự kiến dùng 105 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu dân cư Đại Nam là dự án của Công ty TNHH MTV Tân Khai do ông Huỳnh Uy Dũng (còn được biết đến là Dũng "lò vôi") giữ vị trí Chủ tịch HĐQT làm chủ đầu tư, có tổng diện tích gần 97 ha, quy hoạch dự kiến số dân lên đến 12.000 người. Dự án được khởi công vào tháng 8/2018.

Về Tập đoàn Danh Khôi, trong năm 2024, Danh Khôi đặt mục tiêu doanh thu đạt 380 tỷ đồng, tăng 432% và lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng, tăng hơn 336% so với năm trước. Kết thúc quý I, Danh Khôi ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 3 tỷ đồng, lần lượt đạt hơn 1% và gần 7% kế hoạch đề ra.

Hai nhà máy đóng tàu ở Khánh Hòa nguy cơ phá sản

Nhà máy đóng tàu Cam Ranh đang thực hiện thủ tục phá sản. Nhà máy đóng tàu Nha Trang năm 2023 lỗ hơn 66,5 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh cho biết kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 đóng mới 2 sản phẩm, sửa chữa 20 sản phẩm, lỗ gần 300 triệu đồng.

Hai nhà máy đóng tàu ở Khánh Hòa đều rất khó khăn

Trong khi đó, tiền thuê đất hàng năm quá lớn so với năng lực hiện tại của nhà máy. Năm 2023, tiền thuê đất là hơn 1,2 tỷ đồng, sau khi được giảm 30%, số còn phải nộp là 877 triệu đồng. Công ty đã nộp 450 triệu đồng, nợ đến thời điểm 30-4-2024 là 427 triệu đồng. Cục thuế thông báo nếu không nộp ngay sẽ tiến hành biện pháp cưỡng chế

Theo thông báo thì đơn giá tiền thuê đất năm 2024 bắt đầu tăng từ ngày 20/11/2024 và tăng gấp 6,2 lần so với đơn giá năm 2023. Như vậy nếu tính tròn năm cho đơn giá đất hiện tại thì mỗi năm công ty phải nộp số tiền thuê đất tương đương gần 8 tỷ đồng, trong khi doanh thu dự kiến đạt tối đa khoản 24 tỷ đồng (tiền thuê đất bằng 30% doanh thu của đơn vị). Điều này đã vượt ngoài khả năng tài chính của đơn vị.

Công ty này kiến nghị Bộ giao thông - Vận tải và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy xem xét, hỗ trợ việc đàm phán ký kết các hợp đồng đóng mới (nếu có) với khách hàng trong quá trình công ty nộp đơn phá sản; có cơ chế miễn/giảm tiền thuê đất hàng năm; hỗ trợ khoản tạm ứng chi phí phá sản cũng như các chi phi phát sinh tiếp theo trong quá trình thực hiện công tác phá sản...

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang tình hình cũng rất khó khăn, khi năm 2023 chỉ có 5 sản phẩm được thi công đạt 50% kế hoạch. Công ty lỗ hơn 66,5 tỷ đồng do chi phí khấu hao, chi phí tài chính của các khoản vay nợ cũ, chi phí quản lý doanh nghiệp…

Tuy nhiên, với việc xúc tiến và ký được đơn hàng đóng mới tàu công trình với khách hàng trong quý 4 năm 2023, Công ty kỳ vọng sẽ đảm bảo được việc làm, thu nhập cho người lao động trong nửa đầu năm 2024.

Tin liên quan
Tin khác