Không tính 11.000 tỷ đồng vào giá xe
VinFast tiếp tục “gây bão” khi trở thành hãng ô tô đầu tiên công bố cơ cấu giá thành cụ thể các dòng xe ô tô.
“Với giá bán hiện tại, VinFast đang chấp nhận lỗ gần 300 triệu đồng/xe để khách hàng được mua xe Lux A2.0 phiên bản tiêu chuẩn với giá “3 Không” cộng ưu đãi là 1,099 tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó tổng giám đốc Thường trực VinFast cho biết.
Đại diện VinFast thông tin thêm, chiếc Lux A2.0 bản tiêu chuẩn ở thời điểm hiện tại có giá gốc khi xuất xưởng là 980,6 triệu đồng. Tuy nhiên, xe chịu thêm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (tương đương 285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng). Với tổng cộng 412,1 triệu tiền thuế, giá xe thực tế bán ra phải ở mức 1,392 tỷ đồng. Trong khi giá bán trên thị trường đang là 1,099 tỷ đồng, như vậy VinFast đang chịu lỗ gần 300 triệu đồng cho mỗi chiếc Lux A2.0 bán ra.
Tương tự, mức lỗ 2 mẫu xe còn lại là Lux SA2.0 là 169 triệu đồng và Fadil là 106 triệu đồng.
Lý giải cho mức chi phí sản xuất và kinh doanh xe ô tô Vinfast, bà Vân Anh cho rằng, hiện tại gần như tất cả linh kiện cấu thành nên chiếc xe đều nhập khẩu, VinFast cũng chịu các loại thuế như tất cả các hãng xe khác. Vì vậy giá xe cao, nếu không chịu lỗ thì không thể phủ rộng độ nhận diện trên thị trường cũng như mang lại cho những khách hàng những sản phẩm với mức giá tốt nhất.
Để tạo độ phủ trên thị trường, VinFast đang chấp nhận chịu lỗ gẫn 300 triệu đồng cho mỗi chiếc xe bán ra. |
Bằng việc đầu tư lớn cho VinFast, vừa xây dựng nhà máy, vừa phát triển sản phẩm, Vingroup cũng đang chấp nhận chi một khoản đầu tư khổng lồ. Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/9, Vingroup đã góp gần 13.000 tỷ đồng tiền vốn VinFast. Đây là khoản đầu tư lớn thứ 2 của Vingroup, chỉ xếp sau Vinhomes với giá trị gần 23.000 tỷ đồng.
Để người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi, mỗi năm VinFast cũng ước chịu khoảng 11.000 tỷ đồng chi phí khấu hao và chi phí tài chính đầu tư vào nhà máy, các khoản lãi vay đầu tư...
Chấp nhận ra khỏi vòng an toàn
CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang từng nói: "Đầu tư vào lĩnh vực ô tô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là không tránh khỏi. Các chuẩn mực xếp hạng tín dụng là như thế, nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này".
Chấp nhận ra khỏi vòng an toàn với cho riêng bất động sản, du lịch, dịch vụ, Vingroup có những bước đi mạnh mẽ chưa từng có trong ngành công nghiệp ô tô. Xét ở góc độ đầu tư, lợi ích kinh tế giai đoạn đầu chưa thấy ngay, nhưng giới chuyên gia đồng tình với tiềm năng tiêu thụ xe tại Việt Nam trong tương lai và hướng tới xuất khẩu, VinFast rất có triển vọng.
Hơn thế nữa, mỗi doanh nghiệp sản xuất ô tô có thể là đòn bẩy thúc đẩy hàng trăm, nghìn doanh nghiệp phụ trợ khác đi kèm, từ đó nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong nước. Việc đó có thể sẽ diễn ra trong tương lai gần, khi tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở Cát Hải lấp hết chỗ trống bởi những nhà sản xuất linh kiện. Khi năng lực tự chủ sản xuất được nâng cao, đồng nghĩa giá ô tô nội địa như VinFast có thể giảm.
Vingroup đang bền bỉ cho khát vọng xây dựng một thương hiệu ô tô Việt Nam, chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt cho mục tiêu lâu dài. Vingroup cũng không giấu ước mơ là một ngày nào đó Việt Nam sẽ làm được như Hàn Quốc, khi đi ra đường sẽ nhìn thấy phần lớn phương tiện giao thông mang thương hiệu nội địa.