Vingroup cho biết có kế hoạch hòa vốn EBITDA trong vòng 5 năm tới |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 vừa công bố, tổng tài sản của Tập đoàn Vingroup – CTCP cuối năm 2020 đạt 424.268 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Với quy mô trên, Vingroup tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có giá trị tài sản lớn nhất. Ngoài ra, trên sàn chứng khoán, tập đoàn này vẫn là tổ chức niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn thị trường. Về nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay được cải thiện, giảm từ 70,1% xuống còn 68%. Nguyên nhân bởi trong khi các khoản nợ phải trả chỉ tăng 1,89% lên 288.511 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu tăng 13% so với đầu năm nhờ tiếp tục gia tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý IV đạt 35.821 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ cũng tăng trưởng âm, đạt 1.551 tỷ đồng. Phía tập đoàn cho biết lợi nhuận gộp giảm ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động chủ yểu do ảnh hưởng của dịch Covid. Doanh thu tài chính tăng 36% so với cùng kỳ năm trước chù yếu từ lãi thanh lý các khoản đầu tư. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 64% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng chi phí lãi vay. Chi phỉ quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu do tăng các chi phí dự phòng và tài trợ. Riêng chi phí bán hàng giảm mạnh, chủ yếu do Vingroup đã bán đi mảng hoạt động bán lẻ.
Cả năm 2020, doanh thu thuần của Vingroup đạt 110.462 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 13.962 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4388 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 43% so với năm trước. So với kế hoạch lãi ròng khoảng 5.000 tỷ đồng đề ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, Vingroup hoàn thành được 88% mục tiêu.
Mảng bất động sản giữ được tăng trưởng doanh thu trong quý IV và cả năm 2020. Riêng quý IV, doanh thu lĩnh vực này đạt 22.157 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước nhờ ba dại dự án đều bước vào giai đoạn bàn giao. Doanh thu mảng kinh doanh này cũng đạt được mức tăng trưởng gần 11% trong cả năm 2020. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận giảm, thu nhập trước thuế mảng bộ phận này giảm so với cùng kỳ. Một số mảng kinh doanh khác, đặc biệt là hoạt động du lịch và vui chơi giải trí chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tăng trưởng âm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Mảng sản xuất hiện vẫn chưa đạt điểm hòa vốn. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực trong năm nay là sự tăng trưởng mạnh của doanh thu hoạt động sản xuất từ 9.357 tỷ đồng lên 19.560 tỷ đồng nhờ doanh số bán xe và điện thoại. Trong năm 2020, VinFast đã bán ra tổng cộng 31,500 xe ô tô, trong đó VinFast Fadil, VinFast Lux A và VinFast Lux SA trở thành mẫu xe bán chạy nhất trong các phân khúc tương ứng. Trong tháng 1/2021, VinFast cũng đã giới thiệu ra công chúng hai mẫu xe máy điện thông minh mới Theon, Feliz, và ba mẫu xe SUV điện thông minh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Doanh thu thuần và thu nhập trước thuế của Vingroup theo từng bộ phận |
Tại cuộc họp với các nhà đầu tư tổ chức vào giữa tháng 12/2020, Vingroup cho biết có kế hoạch hòa vốn EBITDA trong vòng 5 năm tới nhờ tăng sản lượng để gia tăng thị phần cũng như giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, VinFast còn khẳng định đang và sẽ đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tự lái, công nghệ pin và hệ thống sạc, công nghệ điều khiển giọng nói và các công nghệ phục vụ trải nghiệm cá nhân hóa cho người lái và hành khách.
Không riêng tại Vinfast, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra tại nhiều đơn vị thành viên của Vingroup. Tập đoàn này đặt mục tiêu nâng tỷ trọng doanh thu từ công nghệ/sản xuất ở mức 20% hiện tại lên 50%. Ở thời điểm hiện tại, Vingroup đã đưa được giải pháp nhà thông minh và thành phố thông minh toàn diện được triển khai tại các đại đô thị Vinhomes, áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng Vinpearl và khu Vui chơi giải trí VinWonders cũng như đầu tư vào các ứng dụng như OneVinmec (triển khai từ tháng 5/2020), số hóa các khâu quản lý, bảo trì tài sản và phân bổ công việc tự động tại Vincom Retail…