Theo danh mục các dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Hòa Bình trong năm 2016 vừa được công bố, toàn tỉnh Hòa Bình có 137 các dự án. Theo đó, các lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng; Thương mại; Chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp có nhiều dự án mời gọi đầu tư nhất, đều trên 30 dự án.
Để sớm mời gọi được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận được 137 dự đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại du lịch tỉnh Hòa Bình đã phân tích các thông tin về hiện trạng đầu tư, về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp; du lịch cung cấp cho các đối tác, các nhà đầu tư.
"Có khoảng 20 dự án trọng điểm có khả năng thực hiện sớm và hiệu quả cao", ông Đinh Tiến Dũng – Giám đốc nhận xét sau khi tổng hợp, phân tích, xem xét các chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án.
Mai Châu là khu vực có nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng lọt vào "tầm ngắm" của các doanh nghiệp. |
Ngay từ đầu năm 2016, các Tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Tập đoàn An Thịnh, NewHope...đã "ngắm ngía" cơ hội đầu tư vào các dự án thuộc danh mục này.
Tập đoàn Vingroup nghiên cứu khá kỹ các dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ở thành phố Hòa Bình, huyện Mai Châu, huyện Lương Sơn và nghiên cứu đầu tư khu du lịch Sam Tạng ( Mai Châu) và khu trồng cây có múi bưởi da xanh tại huyện Tân Lạc.
Tập đoàn Xi măng Xuân Thành nghiên cứu đầu tư nhà máy xi măng công suất 4,5 triệu tấn năm tại huyện Lạc Thủy.
Dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng sinh thái và sản xuất nước khoáng đóng chai tại Kim Bôi, vốn đăng ký đầu tư khoảng 50 tỷ đồng và Dự án đầu tư xây dựng Trại chăn nuôi của Công ty TNHH NewHope, vốn đăng ký đầu tư khoảng 100 triệu USD vừa được Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Thương mại Du lịch tỉnh Hòa Bình hỗ trợ khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư, tư vấn hướng dẫn các thủ tục pháp lý liên quan đến trình tự đầu tư của dự án xin quyết định chủ trương đầu tư.
Mới đây nhất, dự án Nhà máy may Hồ Gươm chi nhánh huyện Tân Lạc do Công ty cổ phần may Hồ Gươm – Hà Nội làm chủ đầu tư đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng, trong giai đoạn 1, khi đi vào sản xuất kinh doanh sẽ tạo việc làm cho 1200 lao động phổ thông, và sẽ tiếp tục tuyển dụng khoảng 800 nhân công vào giai đoạn 2.
Hay như vào trung tuần tháng 4/2016, một trong 137 dự án nằm trong danh mục thu hút đầu tư của tỉnh Hòa Bình là dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Robinson tại đảo Sung ở xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản An Thịnh đã được UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư. Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Robinson tại đảo Sung có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất khoảng 133ha. Dự án du lịch này có các loại hình dịch vụ cao cấp 15 căn biệt thự, khu thể thao dưới nước, đặc biệt là có Khu làng nghề truyền thống bản sắc dân tộc bản địa của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Huyện Đà Bắc. Dự án này giải quyết việc làm cho 300 lao động nông nhàn tại địa phương.
Một dự án khác cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm thuộc danh mục 137 các dự án ưu tiên thu hút đầu tư là Dự án đầu tư Khu trung tâm tâm thương mại du lịch dịch vụ quần thể hang động Núi Đầu Rồng, tại khu 3, Thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong. Sau khi khảo sát, Dự án được đánh giá là có quy mô và vị trí quan trọng trong xúc tiến đầu tư vào phát triển du lịch, hấp dẫn được các nhà đầu tư trong nước. Dự án này có quy mô dử dụng đất khoảng 45ha, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn địa phương, bao gồm các hạng mục: khu trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ quần thể hang động Núi Đầu Rồng nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh tới thăm quan và nghỉ dưỡng. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 400 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư , tỉnh Hòa Bình vẫn còn nhiều tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư. Hòa Bình có cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, minh bạch, có những chính sách ưu đãi và cam kết thực hiện bằng quy định, trình tự giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư dự án; Hạ tầng cơ sở giao thông và công nghiệp ngày một phát triển đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư...Hòa Bình đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, ngoài việc tiếp nhận và hướng dẫn một số nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ, triển khai thực hiện thủ tục đầu tư dự án theo Luật đầu tư, Trung tâm còn thường xuyên theo dõi, cập nhật các Văn bản luật, các quy định mới liên quan đến dự án đầu tư ngoài ngân sách; tích cực tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư thông qua việc cung cấp thông tin qua website của Trung tâm; tư vấn trực tiếp, tiếp nhận các kiến nghị và tổng hợp hồ sơ trình các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, tăng cường phối hợp, liên kết với các tổ chức xúc tiến đầu tư của các Bộ ngành, các địa phương thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; giới thiệu thông tin về các danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Hòa Bình. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai tích cực các công tác như xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp...