Doanh nghiệp
Vĩnh Hoàn góp thêm 50 tỷ đồng vào doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản nội địa
Duy Bắc - 07/07/2022 14:11
CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC - sàn HoSE) thông qua kế hoạch góp thêm vốn tại Công ty con.

Vĩnh Hoàn quyết định tăng vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất Giống Cá Tra Vĩnh Hoàn thêm 50 tỷ đồng. Tổng số vốn sau khi góp bổ sung là 148 tỷ đồng, chiếm 98,7% vốn điều lệ. Số vốn góp này do bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn đại diện quản lý. Trước đó,  Vĩnh Hoàn đã có hai lần tăng vốn thêm vào công ty này.

Được biết, Công ty TNHH Sản xuất Giống Cá Tra Vĩnh Hoàn được thành lập vào năm 2019 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giống thủy sản nội địa. Vốn điều lệ của Công ty TNHH Sản xuất Giống Cá Tra Vĩnh Hoàn tại thời điểm ngày 31/12/2019 là 50 tỷ đồng, trong đó Vĩnh Hoàn nắm giữ 96% vốn điều lệ, tương ứng 48 tỷ đồng và ghi nhận là đầu tư vào Công ty con.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 3.267,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 553,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 82,7% và 320,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 15,2% lên 23,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 185,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 505,9 tỷ đồng lên 778,5 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 88,8%, tương ứng tăng thêm 33,38 tỷ đồng lên 70,97 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 124,3%, tương ứng tăng thêm 23,5 tỷ đồng lên 42,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 2,4%, tương ứng tăng thêm 3,34 tỷ đồng lên 142,66 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 45,6% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty hoàn thành 34,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Mặc dù lợi nhuận tăng đột biến nhưng dòng tiền lại âm kỷ lục. Cụ thể, trong quý I/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 680,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 139,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 261 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 885,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Được biết, xét theo năm, lần gần nhất dòng tiền kinh doanh của VHC âm là năm 2008 với giá trị âm 181,1 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý công ty ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của VHC tăng 17,7% so với đầu năm lên 10.283 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.788,7 tỷ đồng, chiếm 27,1% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.428,6 tỷ đồng, chiếm 23,6% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 2.061,2 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.403 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tài sản.

Trong kỳ, các khoản phải thu tăng 30,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 656,6 tỷ đồng lên 2.788,7 tỷ đồng; tồn kho tăng 35,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 635,5 tỷ đồng lên 2.428,6 tỷ đồng. Như vậy, dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục trong kỳ chủ yếu do công ty gia tăng tồn kho và tăng khoản phải thu, chủ yếu tăng bán chịu cho khách hàng.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý I/2022, Công ty đang ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán hợp lý là 144,6 tỷ đồng và trích lập dự phòng giảm giá là 5,7 tỷ đồng. Trong đó, đang đầu tư 48,97 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS; 41,86 tỷ đồng vào cổ phiếu NLG, đã trích lập 2,4 tỷ đồng; và các cổ phiếu khác là 53,8 tỷ đồng, trích lập 3,3 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/7, cổ phiếu VHC giảm 1.300 đồng về 80.000 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác