Một góc TP. Vĩnh Long |
Là người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông có thể khái quát kết quả mà Vĩnh Long đã đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020?
Trong 5 năm qua, kinh tế của tỉnh Vĩnh Long phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 4,6%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2020 ước đạt 55.534 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tuy chuyển dịch chậm, nhưng vẫn theo hướng hiện đại, từng bước hình thành mô hình kinh tế có chất lượng, khả năng cạnh tranh tốt và phát triển bền vững hơn.
Ước đến cuối năm 2020, tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đạt tương ứng là 35,9%, 19,6% và 44,5%. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có chuyển biến mạnh, tốc độ chuyển dịch nhanh gấp 5 lần so với giai đoạn trước. Tỷ lệ đóng góp của TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) trong tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 49%, tăng 10% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp được đổi mới và chủ động hơn, đã góp phần thu hút được nhiều dự án, doanh nghiệp có quy mô lớn.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu gì trong phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, thưa ông?
Trên cơ sở nhận diện, dự báo những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu: phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm rút ngắn khoảng cách chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước; xây dựng Vĩnh Long phát triển theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Phát triển phải dựa trên mô hình tăng trưởng bao trùm, lấy con người làm trung tâm, phát triển nền kinh tế số và kinh tế tri thức, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của nhân dân.
Tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực; hình thành và phát triển rõ nét những ngành, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại, trong đó từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh...
Những giải pháp nào sẽ được chú trọng thực hiện nhằm đưa Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững như mục tiêu đã đề ra?
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Về nông nghiệp, phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng và năng suất cao. Hình thành các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực để phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp...
Về công nghiệp, tận dụng các cơ hội, điều kiện, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ cấu lại chuỗi sản xuất để thu hút đầu tư, mở rộng quy mô, tạo chuyển biến nhanh trong phát triển công nghiệp với tốc độ cao, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế...
Về thương mại, dịch vụ, hình thành phát triển hệ thống cung ứng sản phẩm, dịch vụ hiện đại gắn với quá trình mở rộng, nâng cấp đô thị, tạo động lực thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp.
Tập trung cơ cấu lại ngành du lịch, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách và thực hiện các dự án hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.