Câu chuyện doanh nghiệp vệ tinh của Samsung
Có mặt tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Haesung Vina (tỉnh Vĩnh Phúc) trong tiết se lạnh của mùa đông 2016, bất cứ ai cũng sẽ thấy “hoa mắt”, bởi gần 4.000 công nhân tại đây đang hối hả làm việc để hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn.
Là một trong những doanh nghiệp vệ tinh chuyên sản xuất camera cho khách hàng lớn nhất là Tập đoàn Samsung, ngay từ năm 2011, Haesung Vina đã chọn Việt Nam làm nơi xây dựng nhà máy sau khi Samsung xây dựng nhà máy sản xuất các thiết bị điện thoại di động lớn nhất và cũng hiện đại nhất của Samsung ở trên toàn cầu tại Bắc Ninh.
Với số vốn đầu tư ban đầu chỉ 11 triệu USD, sau 4 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư của Haesung Vina hiện đã đạt mốc 72 triệu USD, tạo việc làm cho 4.033 lao động.
Một góc Khu công nghiệp Khai Quang. Ảnh: KL |
Trong năm 2016, Haesung Vina đã có sự tăng trưởng vượt bậc, với tổng khối lượng sản xuất đạt trên 90 triệu sản phẩm, tăng 30% so với kế hoạch năm. Tổng doanh thu dự kiến năm 2016 đạt 305,575 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt 33,796 triệu USD, tăng lần lượt 20% và 11% so với kế hoạch năm.
Tháng 11/2016, Haesung Vina đã chính thức khởi công xây dựng mở rộng nhà máy số 4 với diện tích sàn trên 12.000 m2, tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động trong quý II/2017và tạo thêm 1.000 việc làm mới.
Thực ra, trước khi chính thức quyết định đầu tư tại Việt Nam, Ban lãnh đạo công ty mẹ là Haesung Optics đã trực tiếp nghiên cứu và tìm hiểu một số thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Philippines và Myanmar. Qua nhiều lần khảo sát và tìm hiểu thực tế tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong bán kính 100 km quanh Hà Nội, lãnh đạo Haesung Optics đã quyết định chọn tỉnh Vĩnh Phúc làm “đại bản doanh”, bởi ngoài những yếu tố sẵn có như vị trí địa lý thuận lợi gần Sân bay quốc tế Nội Bài và Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc còn là địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn thuộc hàng top trong tổng số 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Bến đỗ của những “ông lớn”
Không chỉ riêng Haesung Vina, mà thực chất kể từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997, Vĩnh Phúc luôn là điểm đến của những dự án đầu tư có quy mô lớn.
Cần phải nhắc lại rằng, tỉnh Vĩnh Phúc sau tái lập từ ngày 1/1/1997 là tỉnh thuần nông, ngành công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển; số lượng doanh nghiệp ít và hầu hết có công nghệ lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng thấp kém; tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt hơn 100 tỷ đồng.
Sau 20 năm sau tái lập, đến nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch bản đồ hành chính tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phát triển 19 khu công nghiệp đến năm 2020, với diện tích trên 5.500 ha, đồng thời, phát triển đô thị và dịch vụ theo hướng hiện đại. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 230 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký trên 3,55 tỷ USD; 653 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) tổng vốn đăng ký trên 56.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thành công của Vĩnh Phúc không chỉ dựa vào vị trí địa lý thuận lợi, mà còn ở việc thay đổi cách thức tiếp cận, chào mời doanh nghiệp đầu tư. Không phải nghiễm nhiên mà trong vài năm trở lại đây, Vĩnh Phúc có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng PCI từ vị trí 26 (năm 2013) lên thứ 6 (năm 2014) và đứng thứ 4 trong năm 2015.
Vĩnh Phúc là một trong số không nhiều tỉnh đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Vĩnh Phúc) là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Chủ tịch UBND tỉnh. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ, thu hút đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước, Ban còn là đầu mối tiếp xúc, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một số thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” đảm bảo minh bạch và rút ngắn thời gian giải quyết từ 1/3 đến một nửa theo quy định… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Sự hỗ trợ của IPA Vĩnh Phúc đã tạo động lực giúp các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh, sản xuất.
Kể từ khi khánh thành nhà máy đầu tiên tại Phúc Yên (Vĩnh Phúc) vào năm 1998, thương hiệu xe máy chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam - Honda Việt Nam đã đầu tư thêm 2 nhà máy sau đó tại địa phương này, gồm một nhà máy sản xuất ô tô năm 2005 và một nhà máy sản xuất xe máy năm 2008.
Ngoài ra, có thể kể đến những thương hiệu lớn như Piaggio Việt Nam, Prime Group thuộc Tập đoàn Siam Cement Group (Thái Lan), Hirota Precision Việt Nam (Nhật Bản), Toyota, Honda (Nhật Bản), Patron Vina, Jahwa, Sindoh (Hàn Quốc), Piaggio (Italia)…
Ngài Hiroshi Fukada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có chính sách thu hút đầu tư tốt và nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư Nhật Bản.
Nhật Bản cũng là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Vĩnh Phúc. “Hầu hết các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư tại Vĩnh Phúc đều đánh giá rất cao môi trường kinh doanh tại đây và không hề có một sự “than phiền” nào về môi trường đầu tư của tỉnh”, Ngài Hiroshi Fukada cho hay.
Trong lĩnh vực du lịch, Vĩnh Phúc cũng là điểm đến của nhiều dự án sân golf và resort đẳng cấp 3 - 5 sao có thể kể đến như Flamingo Đại Lải Resort, Tam Đảo Belvedere Resort, FLC Vĩnh Thịnh Resort…
Bên cạnh đó, lợi thế về thiên nhiên, khí hậu cũng là yếu tố quan trọng giúp Vĩnh Phúc thu hút cả các dự án nông nghiệp công nghệ cao trong xu hướng “đại gia làm nông nghiệp” của các doanh nghiệp lớn, mà điển hình là dự án nhà kính trồng nông sản sạch trị giá gần 1.000 tỷ đồng của Vingroup.
Những dự án lớn có được nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, cũng như chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn của Vĩnh Phúc đã đem lại bộ mặt mới cho tỉnh. Sau 20 năm tái lập, tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục duy trì bình quân 15,37%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, năm 2016 công nghiệp - dịch vụ chiếm trên 90%, nông nghiệp chỉ còn dưới 10%.
Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được và có điều tiết cho ngân sách Trung ương, và ước thực hiện năm 2016 đạt 28.500 tỷ đồng, tăng gần 251 lần so với năm 1997.
Cam kết tiếp tục đồng hành cùng nhà đầu tư
Quay trở lại câu chuyện của Haesung Vina, ông Dương Đức Thắng, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Công ty TNHH Haesung Vina, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc nhớ lại, vào thời điểm Công ty TNHH Haesung Vina chính thức thành lập, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các sở liên quan đã tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa để dự án được triển khai một cách nhanh, thuận tiện nhất và tinh thần đó được duy trì cho cả những dự án sau này của công ty.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Vĩnh Phúc coi doanh nghiệp là động lực phát triển, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh.
“Phương châm hành động của tỉnh Vĩnh Phúc là luôn coi nhà đầu tư ở tỉnh là công dân của tỉnh, từ đó các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân phải có trách nhiệm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển”, bà Lan khẳng định.
Với phương châm đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cam kết, ngoài việc áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia, tỉnh Vĩnh Phúc cũng triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh.
Cụ thể, Vĩnh Phúc sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất, tạo quỹ đất sẵn sàng đón nhận các dự án vào đầu tư, giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân và chuyên gia, giải quyết tốt những vấn đề về lao động cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh sẽ bảo đảm về hạ tầng tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: giao thông, cấp điện, cấp nước, viễn thông, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; cung cấp đủ điện và ổn định 24/24 giờ, bảo đảm đủ nước cho sản xuất của các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí.
Cùng với cam kết giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông giảm từ 30-50% thời gian theo quy định chung, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ ứng dụng phần mềm một cửa liên thông dùng chung trên địa bàn tỉnh, thực hiện thủ tục hải quan, thuế điện tử nhanh gọn.
Đặc biệt, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp;
Tỉnh cũng cam kết tiếp nhận, giải quyết và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp không quá 5 ngày làm việc và đưa hệ thống đường dây nóng vào hoạt động từ 01/01/2017 để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, trường hợp cấp bách giải quyết trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Với sự quyết tâm và những chiến lược cụ thể, Vĩnh Phúc đang hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành TP. Vĩnh Phúc trong tương lai gần và đến năm 2020, cơ bản hình thành hạ tầng khung đô thị TP. Vĩnh Phúc; đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ của cả nước.