Sức khỏe doanh nghiệp
Vissan lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi ngày, giữ 1/3 tài sản là tiền mặt
Thanh Thủy - 27/07/2021 08:08
Doanh thu và lợi nhuận của Vissan nửa đầu năm 2021 giảm 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp thực phẩm này cũng đã hoàn thành hơn nửa mục tiêu lợi nhuận đề ra đầu năm.

Lợi nhuận nửa đầu năm giảm 13%

Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu và lợi nhuận đều giảm so cùng kỳ.

Theo đó, doanh thu hoạt động kinh doanh của Vissan đạt 2.340 tỷ đồng trong nửa đầu năm, giảm 13,65% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm gần 13%, thu về 94,6 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp thực phẩm này thu về gần 12,93 tỷ đồng doanh thu và 523 triệu đồng lợi nhuận.

Hai nguồn doanh thu chính của Vissan đến từ sản phẩm thịt tươi sống và thịt chế biến, đều thu hẹp về quy mô so với cùng kỳ. Doanh thu từ hai mảng trên ngang ngửa nhau, nhưng sản phẩm thịt chế biến thường mang về lợi nhuận gấp 2-3 lần thịt tươi sống.

Tuy vậy, trong nửa đầu năm nay, mảng thịt tươi sống, tỷ suất lợi nhuận gộp đã cải thiện mạnh từ 9,9% lên 14,8%. Nhờ vậy, sau khi trừ đi chi phí giá vốn, Vissan thu về 493,5 tỷ đồng lãi gộp, chỉ giảm 6,45% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế của công ty vẫn giảm hai con số, từ mức 108,7 tỷ đồng cùng kỳ giảm còn 94,6 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra đầu năm, Vissan hiện hoàn thành 52,55% kế hoạch lợi nhuận nhưng mới chỉ đạt gần 46% mục tiêu doanh thu.

Với quy mô vốn điều lệ 809 tỷ đồng, tương đương 80,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu nửa đầu năm đạt 558 đồng.

Hơn 1/3 tài sản là tiền, các dự án đầu tư dậm chân tại chỗ

Mức vốn điều lệ trên của Vissan vẫn duy trì suốt 5 năm qua kể từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa và chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2016. Dù vẫn duy trì được kết quả kinh doanh khá cunùng thương hiệu được biết đến nhiều trên thị trường, cổ phiếu của công ty trên sàn chứng khoán lại không mấy hấp dẫn với các nhà đầu tư. So với mức giá tại phiên IPO (cao nhất 102.000 đồng), cổ phiếu VSN hiện tụt xuống còn 26.000 đồng. Các khoản cổ tức chia cho cổ đông cũng khiêm tốn với tổng tỷ lệ chi trả 17% trong 5 năm qua.

Hiện Tổng công ty Thương mại Sài gòn (Satra) là cổ đông lớn nhất sở hữu 67,76% vốn. ANCO - một công ty thành viên của Tập đoàn Masan nắm 24,94%. Còn lại, chỉ hơn 5,9 triệu cổ phiếu, tương đương 7,3% vốn điều lệ, đang nằm trong tay các cổ đông nhỏ lẻ. Thanh khoản cổ phiếu này vì vậy cũng ít ỏi.

Đến cuối quý II/2021, tổng tài sản của Vissan đạt 2.044 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với đầu năm chủ yếu do công ty giảm tồn kho, tăng khấu hao tài sản cố định. Tồn kho tại ngày 30/6 chỉ xấp xỉ 476 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Trong đó, tồn kho thành phẩm giảm mạnh tới 43,6%, nguyên vật liệu tại công ty cũng giảm 6%.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp này lại gia tăng tỷ trọng tiền mặt. Tổng tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng đạt hơn 720 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm. Tỷ trọng tiền mặt thường ở mức cao và hiện chiếm tới 35% tổng tài sản của Vissan. Trong khi đó, các dự án đầu tư gần như dậm chân tại chỗ. Công ty có kế hoạch di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm nhưng khoản đầu tư chi phí xây dựng cơ bản dở dang ở hạng mục này hiện chưa đến 14,5 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, các khoản nợ phải trả hiện chiếm 44%. Trong đó, nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng chỉ hơn 335 tỷ đồng. Cùng với việc thu hẹp quy mô tài sản, số lượng người lao động tại Vissan cũng giảm thêm 74 người trong nửa đầu năm, xuống còn 4.166 nhân sự. Quy mô nhân sự của công ty từng có thời điểm vượt trên 5.000 người nhưng đã liên tục giảm, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay.

Tin liên quan
Tin khác