Quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tới người dân Thủ đô.
Ngày 11/4, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Du lịch Kiên Giang và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang phối hợp tổ chức hội nghị “Xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội”.
Tại hội nghị, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội - Kiên Giang cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú. Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi…
Hội nghị “Xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội”. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
“Thời gian qua, Hà Nội đã chủ động hợp tác với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo điều kiện, tổ chức kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng địa phương.”, bà Giang nêu rõ.
Đặc biệt, Sở Du lịch Thành phố Hà Nội đã tích cực hỗ trợ truyền thông, tham gia đồng chủ trì với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trong Hội thảo giới thiệu điểm đến Đồng bằng sông Cửu Long tại VITM Hà Nội 2019. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp lữ hành Thủ đô khai thác tour du lịch khám phá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt được thành công nhất định như: Vietrantour, Tiến Đạt Travel, Hanoi Etoco, PSY Travel, Sông Hồng Tourist, Tâm Việt Travel…
Để triển khai có hiệu quả và cụ thể hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các tỉnh, thành phố cả nước nói chung, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc sẽ ký kết biên bản thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Theo đó, một số nội dung hợp tác về du lịch được đề xuất như: Tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước, thống nhất xây dựng một số sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh đặc thù để kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội.
Các địa phương sẽ cùng kêu gọi, hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực của Hà Nội nghiên cứu mở chi nhánh, văn phòng đại diện về du lịch, đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, vui chơi, nghỉ dưỡng tại các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội.
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới sản phẩm du lịch...
Nhờ đó, tổng số khách du lịch đến đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023 đạt 44,9 triệu lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, khách quốc tế là 1,8 triệu lượt khách, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu đạt hơn 45.000 tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá cao hoạt động xúc tiến, quảng bá của Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại VITM Hà Nội 2024, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng chiến dịch quảng bá điểm đến đậm nét, rộng rãi, cụ thể trên các nền tảng số trong thời gian tới.
“Các chương trình hợp tác, giới thiệu, xúc tiến quảng bá đã và đang làm tốt vai trò của kích cầu, phát triển du lịch tại các địa phương, qua đó tránh sự trùng lặp về sản phẩm, hỗ trợ đầu tư xây dựng sản phẩm mới, khắc phục các điểm yếu về nhân lực, quản lý...", ông Siêu nói.
Thu hút du khách đến với “xứ trà" Thái Nguyên
Cùng ngày, tại Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024.
Là 1 trong 6 địa phương trên cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên có lợi thế trong việc định hướng, quy hoạch đầu tư, phát triển trở thành điểm đến hấp dẫn.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chủ trì hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh đã cung cấp các danh mục dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, tìm kiếm cơ hội đối tác đầu tư, ký kết hợp tác khai thác phát triển tối đa tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần tăng lượng khách du lịch đến với Thái Nguyên.
Nhân dịp này, Thái Nguyên cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để phát triển lĩnh vực du lịch, tăng cường xúc tiến, hợp tác xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước.
Ông Lê Ngọc Linh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển mọi loại hình du lịch. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
“Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo cùng với các giá trị văn hoá đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một hành trình trải nghiệm trọn vẹn với đầy đủ sắc màu về vùng đất và con người Thái Nguyên.”, ông Lê Ngọc Linh khẳng định.
Ông Lê Ngọc Linh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
Tỉnh Thái Nguyên được coi là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái; Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, huyện Võ Nhai…
Không chỉ vậy, Thái Nguyên còn là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc, khí hậu mát mẻ trong lành với những danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá đẹp hoang sơ trên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm du lịch, ông Tạ Hữu Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mặt trời Việt Nam (Sunvina Travel) đánh giá, với vị trí là cửa ngõ của khu vực Đông Bắc và Tây Bắc, Thái Nguyên là thành phố hiếm của Việt Nam khi hội tụ đủ tất cả những lĩnh vực trong du lịch, từ di sản, văn hóa, sinh thái và từ vật thể và cả phi vật thể. Tuy nhiên, vẫn cần có sự sáng tạo, đổi mới với các sản phẩm du lịch.
Ông Chiến cho rằng, hiện nay du lịch tỉnh Thái Nguyên vẫn còn thiếu du lịch biển, nhưng bù lại tỉnh lại có nhiều sản phẩm độc đáo khác để định vị thương hiệu du lịch của riêng mình. Do đó, cần khai thác, xây dựng thêm nhiều các tour, tuyến, điểm đến mới lạ khiến du khách lưu trú dài ngày hơn thay vì các tour ngắn 3, 4 ngày.
Thái Nguyên đang từng bước trở thành điểm đến thân thiện. Minh chứng là lượng khách và doanh thu từ du lịch hằng năm đều tăng. Cụ thể, năm 2023 tỉnh đón gần 2,5 triệu lượt khách, tăng gần 15% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Thái Nguyên đón gần 1,2 triệu lượt du khách, đạt doanh thu 350 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 3.650 lượt khách quốc tế, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện hiệp hội du lịch 7 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên đã thống nhất ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các nội dung cơ bản là: Phát triển nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.