Doanh nghiệp
Vivaso phải bồi thường thiệt hại nếu không giúp VFS "sống lại"
Hà Tùng Long - 06/05/2016 17:29
Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch vừa chính thức công khai lý do thực sự khiến Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) phải tiến hành cổ phần hoá sau mấy chục năm tồn tại.

VFS đã “chết” cách đây 10 năm

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái - Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ rằng, cổ phần hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực ngoài nhà nước phát triển doanh nghiệp với phương thức huy động vốn, tiếp cận thị trường… Đây được xem là một cuộc cải cách phát triển doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, hiện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có 5 doanh nghiệp điện ảnh gồm: Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim hoạt hình, Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim khoa học tài liệu TW. Hãng phim khoa học tài liệu TW không được Chính phủ đồng ý cho cổ phần hóa vì đây là doanh nghiệp đặc thù nên giữ là “Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên” với 100% vốn nhà nước.

Hãng phim truyện I đã cổ phần từ năm 2013. Lúc đầu nhà nước chiếm 40%, còn 60% bán ra ngoài nhưng không bán hết nên cuối cùng nhà nước phải nhận thêm 20% là 60%. Hãng phim Giải Phóng, đưa ra nhà nước khoảng 40%, bán ra ngoài 60% nhưng đưa ra sàn cũng không ai mua nên nhà nước lại phải đứng ra “ôm” gần 90%.

Chính phủ vẫn yêu cầu cổ phần hóa lần 2 Hãng phim hoạt hình - hãng phim đặc thù hơn các hãng phim khác. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đề nghị và được Thủ tướng đồng ý, nhà nước sẽ chiếm hơn 51%. Hiện nay hãng phim này cũng đang tìm nhà đầu tư chiến lược nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra. Với kinh nghiệm của các hãng phim trước đó nên khi tiến hành cổ phần hóa VFS, Thủ tướng chủ trương giảm tỷ lệ vốn của nhà nước xuống còn 20%.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng chia sẻ rằng, quá trình cổ phần hóa các đơn vị này rất khó khăn, khó bán cổ phần. Trong khi đó, theo Quy định 37 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước thì loại hình Điện ảnh là nhà nước không nắm cổ phần. Với VFS, một hãng phim có lịch sử 56 năm, là “cây đại thụ” của điện ảnh Việt Nam nên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đắn đo và quyết định giữ 20% cổ phần, trong khi đáng ra không giữ.

Thứ trưởng khẳng định: “Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch rất thận trọng trong quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Từ lâu đã kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào đây, thậm chí kêu gọi các nhân viên, cán bộ của hãng ai tìm được nhà đầu tư chiến lược thì kêu gọi”.

Đạo diễn Vương Đức - Giám đốc VFS chua xót nói: “Cá nhân tôi không thích thú việc cổ phần, thậm chí là đau xót, tủi thân… khi nhà nước không cần chúng tôi nữa. Đây là tâm trạng của hầu hết anh em cán bộ hãng phim. Chúng tôi là đơn vị được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập, chúng tôi đã đóng góp nhiều thành tựu. Một trong sai lầm lớn nhất của đời tôi là nhận làm Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam. Việc cổ phần bắt đầu khi nhà nước yêu cầu, chúng tôi tuân thủ một cách nghiêm túc nhất có thể. Mặc dù trong thâm tâm rất nhiều băn khoăn, lo lắng… Cách đây 10 năm hãng phim đã không thành công, cổ phần vẫn còn hơn là chết. Chúng ta phải cổ phần, gần 100% cán bộ đồng ý việc cổ phần hóa”.

Vì sao bán cho công ty Vận tải thuỷ?

Chia sẻ lý do vì sao lại bán Hãng phim truyện Việt Nam cho Công ty Vận tải thủy (Vivaso), Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, khi có luật doanh nghiệp mới “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Phương án cổ phần hóa VFS được thực hiện thận trọng, chi tiết... Và theo Nghị định 59, nhà đầu tư chiến phải cam kết 10 điểm với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm; Cam kết với đơn vị bằng văn bản trong việc hỗ trợ, thực hiện làm phim; Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người lao động; Cam kết 90% doanh thu của đơn vị phải từ hoạt động điện ảnh; Trả các khoản nợ tiền thuê đất mà VFS đang nợ; Đầu tư cơ sở vật chất để làm phim; Tuân thủ phương án sử dụng đất để phục vụ sản xuất, phát triển điện ảnh; Sử dụng toàn bộ nhân viên của Hãng; Sử dụng toàn bộ tiền thu được từ cổ phần hóa để đầu tư sản xuất phim; Cử 3 người của nhà nước tham gia vào Hội đồng quản trị- Ban tổng giám đốc- Ban kiểm soát. Đặc biệt, Công ty vận tải thủy - nhà đầu tư chiến lược đã chấp thuận tất cả các tiêu chí gắt gao trên.

Hãng phim truyện Việt Nam trong thời gian đang chời giải quyết xong thủ tục cổ phần hoá. Ảnh: ĐH

“Mục tiêu của cổ phần hóa là làm sao để vực dậy được hãng phim. Trong cam kết này nếu Công ty Vận tải thủy không thực hiện phải bồi thường thiệt hại, nếu sử dụng đất không đúng mục đích sẽ đề nghị Hà Nội thu hồi”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định.

Đặc biệt, không để mất thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Tên mới của VFS sau khi cổ phần sẽ là “Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam”. Tuy nhiên, thương hiệu này không tính được bằng tiền trong cổ phần hóa vì theo quy định, nếu tính thương hiệu phải tính từ quảng cáo và lãi. Hiện, ngoài 20% cổ phiếu của nhà nước giữ thì người lao động trong VFS cũng kiểm soát 5% cổ phiếu, ngoài ra, 10.5% cổ phiếu sẽ được bán ra ngoài thị trường. Ba người đại diện sẽ có trách nhiệm báo cáo cho Bộ nếu có sai phạm.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định, con số nợ của VFS hiện là hơn 90 tỷ đồng, vốn thực xác định còn 19.7 tỷ đồng. Khi cổ phần hóa không tính giá trị đất, vì theo luật đây là đất thuê của nhà nước nên khi chuyển cổ phần nên không được tính giá trị đất. Điều này cũng được áp dụng với tất cả các mảnh đất hiện VFS quản lý.

“Nếu chúng ta cứ tiếp tục để VFS như hiện tại thì không có tiền nuôi cán bộ, công nhân viên. Lương hiện nay chỉ được 50%. Để tình trạng hãng phim truyện nay sẽ không thể cạnh tranh được với thị trường và chỉ có nước làm ăn thua lỗ, rồi phá sản. Cho nên chúng tôi lựa chọn việc cổ phần hóa. Trên thực tế VFS vẫn có giá trị về thương hiệu trên thị trường, nhưng giá trị kinh doanh vẫn bằng 0”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chia sẻ.

Cổ phần vẫn chưa xong vì đang bị vướng

Đạo diễn Vương Đức cho biết, trong những năm qua, VFS có 151 nhân sự nhưng “rơi rụng” dần, còn lại 131 người. Khi tiến hành cổ phần hóa có 25 người ra khỏi công ty, nhân sự hiện nay còn 94 người.

Về vấn đề nhân sự của VFS sau khi đã tiến hành cổ phần hoá, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, việc triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp theo cơ chế cổ phần hóa doanh nghiệp hiện nay chưa xong, đang vướng ở Bộ Tài chính. Nhân sự của công ty vẫn chưa xong vì vẫn đang trong quá trình bàn bạc và đưa lên sàn xem đơn vị mua được bao nhiêu %. Khi xong mới tính đến tính tiếp về cơ cấu nhân sự.

Trả lời về việc có nhiều ý kiến cho rằng, VFS đã bị “bán đổ bán tháo”, ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính - Phó Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam cho rằng, việc cổ phần hóa có quy trình định giá đàng hoàng, minh bạch.

“Mọi người nên hiểu rằng, khu đất vàng mà Hãng phim đang ngự lại là đất thuê cho nên khi định giá, không thể tính cả giá trị khu đất đó vào được. Kể cả nhà đầu tư chiến lược sau này hoạt động tại đây, họ cũng phải trả tiền thuê. Tất nhiên, dưới sự bao cấp của nhà nước trước kia, Hãng phim truyện Việt Nam được thuê với giá ưu đãi, khi cổ phần chắc chắn giá sẽ phải cao hơn”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng cho biết thêm, theo nghị định 59 của Chính phủ việc lựa chọn nhà cổ phần chiến lược không nhất thiết phải đăng trên báo nhưng trong quá trình cổ phần hóa đã thông tin trên báo và bản tin của công ty. Sau quá trình đăng báo trong 11 ngày chỉ có mỗi nhà đầu tư Vận tải thủy tham gia. Việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động đã thực hiện đúng quy định. Có 99 người có quyền mua cổ phần. Việc này được cụ thể hóa và công bố rộng rãi. Người mua ưu đãi phải sau 5 năm mới được chuyển nhượng.

Trong 56 năm hoạt động, VFS đã tạo ra được 325 phim. Nhiều người lo ngại khi cổ phần hóa các tài sản này sẽ thuộc về đơn vị mới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, phim của tất cả hãng phim đều là phim đặt hàng của nhà nước. Theo quy định của luật bản quyền, công ty không có bản quyền những bộ phim này. Những bản gốc của những bộ phim này đều đang được lưu giữ ở Viện phim Việt Nam và thuộc bản quyền của nhà nước, vì kinh phí đều do nhà nước đầu tư, đặt hàng. Nếu đơn vị mới, đang giữ bản sao các bộ phim, có nhu cầu khai thác đều phải xin phép Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Trước câu hỏi “Kho đạo cụ được đánh giá rất có giá trị gồm súng từ thời giải phóng Điện Biên, giải phóng Sài Gòn được tính ra sao?”, ông Trần Hoàng cho biết: “Chúng tôi đã liệt kê, kho đạo cụ có súng từ thời tiếp quản Thủ đô… rất có giá trị về tinh thần và vật chất nhưng không xác định được giá trị do không có đơn giá. Chúng tôi sẽ xin ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng… để xác định giá trị cũng như xác định đơn vị sử dụng. Sau khi xác định giá trị lần 2, tài sản đó sẽ được tính vào vốn của nhà nước”.

Đạo diễn Vương Đức chia sẻ: “Kho súng này với chúng tôi rất có giá trị lịch sử".

Tin liên quan
Tin khác