Tài chính - Chứng khoán
VN-Index có thể tăng 15% trong 6 tháng cuối năm
Chí Tín - 26/07/2013 21:45
Chiều 26/7, tại Hà Nội, Công ty Chứng khoán KIS và Công ty Tư vấn Đầu tư VietF vừa ra mắt điểm giao dịch trực tuyến tại Tòa nhà Lilama 10, đường Lê Văn Lương kéo dài.
TIN LIÊN QUAN

Điểm giao dịch trực tuyến sẽ thực hiện các chức năng hỗ trợ khách hàng của Công ty Chứng khoán KIS có thể mở tài khoản giao dịch trực tuyến, tư vấn đầu tư, hướng dẫn giao dịch…

Tập đoàn KIS của Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007 thông qua việc thành lập Công ty Ủy thác Đầu tư KIS. Công ty Chứng khoán KIS là công ty con của Công ty Ủy thác Đầu tư KIS.

Công ty Chứng khoán KIS và Công ty Tư vấn Đầu tư VietF khai trương Điểm giao dịch trực tuyến tại Hà Nội

Tại buổi ra mắt Điểm giao dịch trực tuyến, chuyên gia Tập đoàn tài chính KIS (Hàn Quốc), ông Hang Jin Yun, cho biết, hiện có 5 yếu tố tác động đến VN-Index.

Theo ông Hang Jin Yun, chỉ số P/E (giá trên thu nhập) bình quân cổ phiếu Việt Nam đang khoảng 12, không cao cũng không thấp. Điều này có nghĩa chứng khoán Việt Nam không rẻ cũng không đắt.

Tuy nhiên, tiềm năng tăng giá vẫn còn do tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu sẽ tăng so với các kênh khác (gửi tiết kiệm, mua vàng, bất động sản…)

Ông Hang Jin Yun cho biết, 5 yếu tố sẽ tác động đến chứng khoán cuối năm gồm: Động thái của nhà đầu tư nước ngoài, các chính sách vĩ mô của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm, động thái tái cơ cấu nền kinh tế, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và dòng vốn của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo ông Hang Jin Yun, nhà đầu tư nước ngoài đã có ảnh hưởng lớn đến xu hướng của VN-Index. Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 5, khối ngoại mua ròng đã trở thành động lực khiến chứng khoán Việt Nam đi lên, nhưng từ tháng 6 đến nay, khi khối ngoại bán ròng đã khiến cho VN-Index đi xuống.

Về mặt chính sách, lãi suất có thể sẽ tiếp tục giảm thêm khiến dòng tiền có thể sẽ rút khỏi ngân hàng để tìm kênh đầu tư khác.

Tuy nhiên, dòng tiền có tìm đến chứng khoán hay không còn phải phụ thuộc vào lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

Theo ông Hang Jin Yun, nền kinh tế Việt Nam nửa cuối 2013 có thể vẫn chưa ra khỏi khó khăn nên các doanh nghiệp cũng sẽ vẫn khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa.

Tuy nhiên, nhờ lãi suất đang và sẽ tiếp tục giảm, các doanh nghiệp có thể tiết giảm được chi phí tài chính, qua đó lợi nhuận có thể sẽ cải thiện hơn so với nửa đầu năm 2013.

Tin liên quan
Tin khác