Chứng khoán đảo chiều tăng mạnh, gỡ trói tâm lý nhà đầu tư |
Sức bật sau khi mốc 900 bị phá vỡ: Gần 290 mã tăng trần, VN-Index tăng 70 điểm từ đáy
Trong khi đa phần các sàn chứng khoán châu Á đóng cửa giảm điểm từ chỉ số tại Nhật Bản hay Án Độ, ba chỉ số chứng khoán Việt lại đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh với biên độ giao dịch lớn.
Lực bán margin vẫn rất cao ở phiên sáng, một lần nữa, kéo VN-Index xuyên thủng mốc 900 điểm. Chỉ số sàn HoSE có thời điểm giao dịch tại 874 điểm – mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020 nhưng đã đảo chiều vọt tăng gần 70 điểm từ đáy lên 942,9 điểm khi kết phiên, tăng 31 điểm (+3,4%) so với hôm qua. HNX-Index tăng 4,36% lên 183,45 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 3,19% lên 65,32 điểm.
Động lực kéo VN-Index tăng mạnh nhất là các cổ phiếu vốn hoá lớn, tích cực nhất là VIC, BID, GAS, CTG, VHM. Trong khi đó, một số cổ phiếu đã tăng khá tốt ở nhịp điều chỉnh lại quay đầu như VNM. SAB. Trong khi đó, NVL và PDR đều còn lượng chất bán giá sàn lớn, lần lượt là 46,6 triệu đơn vị và 82,7 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu của Novaland đã giảm hơn nửa giá trị từ cuối tháng 10 đến nay.
Trên sàn HNX, cổ phiếu là đầu tàu kéo chỉ số chung đi xuống cũng lại là cổ phiếu đóng góp tích cực cho đà tăng điểm. IDC tăng kịch biên độ lên 9,92% dù đã giảm kịch sàn buổi sáng và 4 phiên giao dịch liền trước đó. Cú bật ngoại mục của chỉ số sàn HNX có sự đóng góp của nhóm cổ phiếu tài chính như NVB, BAB, SHS…
Sự hồi phục lan rộng trên đa phần các cổ phiếu. Toàn thị trường có 288 mã tăng trần trong dó 155 mã cổ phiếu trên sàn HoSE. Số cổ phiếu giảm giá lép vế với chỉ 138 mã giảm và 52 mã giảm sàn.
Khối ngoại mua ròng 8 phiên liên tiếp
Điểm tích cực trong bối cảnh thị trường u ám các phiên trước là động thái mua ròng của khối ngoại. Tại phiên 16/11, khối ngoại vẫn tiếp tục giải ngân sôi động. Trên sàn HoSE, các nhà đầu tư nước ngoài chi 2.226 tỷ đồng mua cổ phiếu và bán ra thu về 1.587 tỷ đồng. Giá trị mua ròng xấp xỉ 640 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, khối ngoại mua ròng 685 tỷ đồng. Trong đó, CTG là cổ phiếu được mua nhiều nhất (93 tỷ đồng). Một số chứng khoán khác được mua nhiều như chứng chỉ quỹ FUEVFVND (67 tỷ đồng), VHM (57 tỷ đồng), VIC (56 tỷ đồng) hay SSI cũng được mua ròng trên 54 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại chốt lời ở cổ phiếu VNM. Khối ngoại bán ra 221 tỷ đồng trong khi giải ngân thêm 130 tỷ đồng vào cổ phiếu này, tương đương giá trị mua ròng 92 tỷ đồng. Trong khi, giá trị giao dịch cổ phiếu VNM ngày 16/11 là 331 tỷ đồng, lệnh bán của khối ngoại chiếm tỷ trọng lớn trong các lệnh bán ra hôm nay và cũng là một phần nguyên nhân khiến cổ phiếu này giảm 3,25%.
Khối ngoại đến nay đã duy trì mua ròng 8 phiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản thị trường cũng vọt lên ở phiên 16/11. Tổng khối lượng giao dịch hôm nay đạt gần 1,24 tỷ đơn vị, tương đương giá trị giao dịch xấp xỉ 16.400 tỷ đồng, cao hơn nhiều mức bình quân quanh 10.000 tỷ đồng/phiên thời gian qua.
Dòng tiền đi vào nhiều cổ phiếu, tập trung nhiều nhất là ở DGC (656 tỷ đồng), DIG (512 tỷ đồng), STB (453 tỷ đồng) hay HPG (439 tỷ đồng). Cả bốn cổ phiếu hút dòng tiền trên đều tăng kịch biên độ.