Giao dịch phân hoá, VN-Index giảm điểm sau 5 phiên tăng
Tiếp tục giằng co quanh mốc 1.500 điểm, VN-Index đã có phiên giảm điểm đầu tiên sau chuỗi tăng liên tiếp 5 phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,08 điểm (-0,34%) xuống 1.501,71 điểm. HNX-Index giảm 1,35 điểm (-0,32%) xuống 426,89 điểm. UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,09%) xuống 112,54 điểm. Cả ba sàn chứng khoán Việt Nam đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Sắc đỏ cũng phủ khá rộng tại các thị trường chứng khoán châu Á phiên nay sau cú rơi đáng kể của thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua.
Số lượng mã chứng khoán tăng/giảm cũng ngang ngửa. Toàn sàn có 462 mã tăng, 74 mã tăng trần; trong khi đó, có 435 mã giảm và 23 mã giảm kịch sàn.
Thanh khoản thị trường giảm phiên thứ ba liên tiếp. Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 25.232 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 21.095 tỷ đồng, giảm 7,7% so với phiên hôm qua; trong đó, riêng sàn HoSE giảm 10,2% xuống mức 18.061 tỷ đồng. Không cổ phiếu nào đạt mức thanh khoản nghìn tỷ. Các cổ phiếu được tập trung giao dịch nhiều nhất là HPG (811 tỷ đồng), KBC (gần 700 tỷ đồng), TPB (675 tỷ đồng)…
Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 533 tỷ đồng trên cả ba sàn, tập trung nhiều nhất ở cổ phiếu VIC. Chỉ riêng giao dịch bán cổ phiếu này đã giúp khối ngoại thu hồi 268,6 tỷ đồng.
“Tội đồ” cổ phiếu VIC, khối ngoại bán ròng thu hơn 1.950 tỷ đồng trong 10 phiên
Không chỉ là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất, cổ phiếu của ông lớn vốn hoá Vingroup còn là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm điểm khi đóng góp tới 2,16 điểm giảm. Đây đã là phiên thứ 5 liên tiếp, cổ phiếu VIC đóng cửa trong sắc đỏ.
Lực cung gia tăng của khối ngoại cũng là một trong các nguyên nhân kéo giá giao dịch cổ phiếu VIC rơi sâu. Sau 10 phiên liên tục bán ròng, giá cổ phiếu VIC đóng cửa tại mức giá 81.700 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất từ tháng 9/2020. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại xấp xỉ 1.953 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý IV/2021 của Tập đoàn Vingroup mới công bố cho thấy doanh nghiệp này vừa trải qua một quý kinh doanh với nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chính là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 3 lần. Đây là khoản thua lỗ đầu tiên Vingroup phải ghi nhận trong một quý kinh doanh, và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ ròng trong cả năm 2021. Vingroup cũng lần đầu tiên ghi nhận năm thua lỗ kể từ khi công bố báo cáo tài chính kinh doanh năm 2006.