Thông tin tiêu cực đè nặng tâm lý thị trường
Trong khi đà tăng điểm của thị trường chứng khoán khá áp đảo tại châu Á, chứng khoán Việt Nam lại ngược chiều giảm sâu. Theo thống kê tại StockQ, chưa đến 10/29 sàn chứng khoán châu Á giảm điểm với mức giảm đa số dưới 0,5%. Các sàn chứng khoán lớn như Thượng Hải, Hồng Kông, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc… đều tăng điểm. Trong khi đó, VN-Index giảm hơn 15 điểm, tương đương mức giảm 1,45%. HNX-Index khá hơn khi vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 0,23% lên 172 điểm. Sàn UPCoM cũng tăng nhẹ 0,06%. Tuy nhiên, ở cả ba sàn, số lượng cổ phiếu giảm điểm đều áp đảo. Đã có hơn 390 cổ phiếu giảm điểm trong phiên hôm nay.
Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” vừa được Bộ Tài chính Mỹ ban hành đêm qua đã cáo buộc Việt Nam cùng với Thuỵ Sỹ thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.
Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng các tiêu chí sau: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Việt Nam được xác định đáp ứng 3 tiêu chí nêu trên.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia phân tích từ Chứng khoán MB, thông tin tiêu cực này đã tác động lên tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường do lo ngại Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt khi Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Trong lịch sử, cũng đã có những nước bị đưa vào danh sách này như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, do chính quyền tại Mỹ đang trong quá trình chuyển giao quyền lực nên khả năng lớn ông Biden mới là người quyết định có đưa ra các biện pháp đối với Việt Nam hay không, trong khi ông Biden là người ủng hộ tự do thương mại và có “hảo cảm” với Việt Nam trong thời gian đảm nhận vị trí phó tổng thống.
Ngoài ra, từ phía Việt Nam, ngân hàng nhà nước cũng có thể có những biện pháp điều chỉnh như giảm mua ngoại tệ để tăng dự trữ, nâng giá đồng VND... Trong thông cáo mới đây, cơ quan này khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Giao dịch khớp lệnh kỷ lục, tâm điểm cổ phiếu Hòa Phát - HPG
Thanh khoản trên thị trường tiếp tục ở mức cao. Riêng giá trị giao dịch khớp lệnh tiếp tục xác lập kỷ lục mới với gần 13.700 tỷ đồng chảy vào thị trường, tăng tới 25% so với hôm qua. Khối ngoại bán ròng 777 tỷ đồng trên sàn HoSE và mua ròng gần 5,2 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát được giao dịch nhiều nhất với 30,6 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị 1.167 tỷ đồng. Trong đó, riêng khối ngoại mua gần 692.000 cổ phiếu và bán ra 5,5 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng của khối ngoại xấp xỉ 184 tỷ đồng. Giá cổ phiếu này đã giảm 3% trong phiên hôm nay, về mức 37.650 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là cổ phiếu đứng thứ 5 trong các mã chứng khoán kéo VN-Index giảm điểm sau cổ phiếu của hai ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV và cặp đôi cổ phiếu họ VIN (VIC và VHM). Nhóm các cổ phiếu ngân hàng khá phân hóa. Ngoài ba ông lớn có vốn Nhà nước rơi sâu, cổ phiếu TCB lại tăng tới 3,52%. Cổ phiếu một số ngân hàng tầm trung khác như TPBank , VPBank, HDBank đều tăng giá trên 1%.
Cổ phiếu của một số doanh nghiệp xuất khẩu phản ứng khá tiêu cực trong phiên hôm nay. Như trong nhóm ngành thủy sản, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn – doanh nghiệp lớn ngành cá tra đã giảm 4,45%; cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta giảm 1,8%. Cổ phiếu HNG của HAGL Agrico cũng giảm 3,95%.