- Ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP: Chính thức cho thanh toán nợ TPDN bằng bất động sản, được giãn nợ tối đa 2 năm
- Cổ phiếu bất động sản bứt phá sau Nghị định 08/2023/NĐ-CP, VN-Index tăng gần 15 điểm
- Tỷ giá nóng lên, tín dụng chậm lại, ngân hàng rầm rộ hạ lãi suất
- Sáng 6/3: Lãi suất huy động đồng loạt giảm 0,2-0,5%/năm, lãi suất cho vay cần thêm độ trễ
VN-Index chỉ còn tăng 2,41 điểm, cổ phiếu bất động sản bứt phá
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ban hành cuối tuần trước trở thành cú hích tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Sắc xanh lan tỏa, nhất là ở dòng ngân hàng và bất động sản, chứng khoán Việt Nam nhờ đó tăng 14,56 điểm khi tạm dừng phiên sáng.
Tuy nhiên, đà tăng thu hẹp đáng kể chiều nay. VN-Index chỉ còn tăng 2,41 điểm (+0,24%) và đóng cửa ở mức 1.027,18 điểm. UPCoM-Index chỉ còn tăng 0,26% lên 76 điểm. HNX-Index không giảm nhiều trong buổi chiều, tăng 0,82% đến cuối phiên.
Số lượng các mã tăng ít hơn so với phiên sáng nhưng sắc xanh vẫn áp đảo. Trên ba sàn, tổng cộng có 410 mã tăng, 39 mã tăng trần; trong khi chỉ có 271 mã giảm, 21 mã giảm sàn.
Cổ phiếu bất động sản giao dịch tích cực với hàng loạt mã chứng khoán tăng trần như NVL, CRE, HQC, DXG. Các cổ phiếu bất động sản đã giảm mạnh trước đó, đẩy giá cổ phiếu nhóm này về vùng định giá hấp dẫn. Cổ phiếu của Vinhomes – doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn thứ 5 thị trường tăng 2,81%. Dù đã thu hẹp đà tăng so với phiên sáng, VHM vẫn tiếp tục là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất đến VN-Index.
Cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng khá tốt. Tuy nhiên, dòng cổ phiếu này đã phân hóa khi có nhiều cổ phiếu quay đầu giảm như ACB, BID, OCB… Ngược lại, giá cổ phiếu NVB lại đảo chiều tăng, đóng cửa phiên ở mức 16.500 đồng.
Khối ngoại chưa dứt chuỗi bán ròng
Giao dịch đã có sự cải thiện đáng kể trong sáng ngày 6/3. Tuy nhiên, dòng tiền đã chậm lại ở phiên chiều. Giá trị giao dịch hôm nay giảm so với cuối tuần trước. Trên sàn HoSE, thanh khoản giảm 5,5%, với tổng cộng 421,9 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch hơn 6.810 tỷ đồng. Giao dịch trên sàn HNX và UPCoM giảm sâu hơn. Tính chung trên ba sàn, giá trị giao dịch cả phiên đạt gần 7.900 tỷ đồng.
Khối ngoại giao dịch thận trọng ngay cả ở phiên sáng và tiếp tục dè dặt hơn ở phiên chiều. Trên sàn HoSE, nhóm này chi thêm 732 tỷ đồng mua cổ phiếu, trong khi bán ra 832 tỷ đồng. Giá trị bán ròng trên trên ba sàn đạt 110 tỷ đồng. Nhóm này đã bán ròng liên tiếp trong 4 phiên gần đây. Nếu tính từ ngày 15/2, số lượng phiên mua ròng của khối ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Novaland là tâm điểm bán ròng của khối ngoại. Đã có 1,36 triệu cổ phiếu NVL sang tay, tương đương giá trị xấp xỉ 150 tỷ đồng. Hơn một nửa lượng cổ phiếu bán ra cũng từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài (78 tỷ đồng), trong khi chỉ có một lượng cổ phiếu không đáng kể được khối ngoại mua thêm hôm nay.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 05/03
Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới ngưng hiệu lực một số điều khoản quy định tại Nghị định 65 đến hết ngày 31/12/2023 bao gồm quy định liên quan đến xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023.
Cùng đó, Nghị định mới cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm, thay vì quy định “không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành” như tại Nghị định 65. Nghị định mới cũng quy định việc chuyển đổi gốc lãi trái phiếu thành tài sản khác, tương tự như quy định tại Luật dân sự và pháp luật liên quan.