Tài chính - Chứng khoán
VNDirect gặp khó với tham vọng vốn hóa lớn nhất ngành
Duy Bắc - 04/10/2023 16:47
Mong muốn tiếp tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu để nâng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect gặp trở ngại khi thị trường bước vào chu kỳ giảm giá.

Giá cổ phiếu quay đầu khi định giá cổ phiếu VND lên mức kỷ lục

Theo thống kê từ ngày 15/11/2022 đến 20/9/2023, cổ phiếu VND của VNDirect đã tăng 158%, từ 9.900 đồng lên 25.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ ngày 20/9 đến 28/9, VND có dấu hiệu lao dốc như thị trường, giảm 17,5% so với đỉnh ngày 20/9, về 21.050 đồng/cổ phiếu và đang giao dịch dưới đường MA50.

Trong khi đó, nửa đầu năm 2023, VNDirect ghi nhận doanh thu đạt 2.894,6 tỷ đồng, giảm 18%; lợi nhuận sau thuế 564,6 tỷ đồng, giảm 53,6% và mới hoàn thành 35,3% kế hoạch lãi 1.600 tỷ đồng.

Kinh doanh lao dốc, giá cổ phiếu tăng cao là nguyên nhân dẫn tới định giá cổ phiếu giao dịch vùng đỉnh lịch sử nhiều năm. Dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, định giá P/E của cổ phiếu VND đã lên mức 45,08 lần, cao hơn trung bình ngành là 33,54 lần và mức định giá của chính cổ phiếu này từ năm 2017 đến 2022 (dao động từ 7,9 lần đến 14,22 lần).

VNDirect hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, các nguồn thu chính gồm phí giao dịch chứng khoán, lãi hoạt động cho vay margin và kết quả từ hoạt động tự doanh. Trong khi đó, thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh và hình thành xu hướng giảm, dẫn tới dư nợ margin và thanh khoản sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán.

Đối với danh mục tự doanh của VNDirect, nhà đầu tư không đánh giá cao vì có liên quan nhiều tới các khoản trái phiếu của các đơn vị có dấu hiệu chậm trả lãi, gây rủi ro thanh toán đúng hạn gốc và lãi trái phiếu đến hạn.

Tại thời điểm ngày 30/6/2023, VNDirect sở hữu 20.851,8 tỷ đồng các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), chiếm 49,6% tổng tài sản. Trong đó, cơ cấu tài sản FVTPL chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, ghi nhận 9.345,4 tỷ đồng (đầu năm là 9.167,1 tỷ đồng), chiếm 44,8% tổng tài sản FVTPL; chứng chỉ tiền gửi  8.617,4 tỷ đồng, chiếm 41,3%; cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và chưa niêm yết 1.988,6 tỷ đồng, chiếm 9,5%; trái phiếu niêm yết 900,3 tỷ đồng, chiếm 4,3%.

Công ty không thuyết minh chi tiết trái phiếu đang đầu tư, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect cho biết, Công ty lựa chọn Trung Nam, vì đây là doanh nghiệp đại diện trong ngành năng lượng, có năng lực thực thi phát triển dự án và khả năng tìm kiếm dự án đầu tư.

Có thể thấy, việc kinh doanh lao dốc, tài sản gắn liền với trái phiếu, trong đó có liên quan trái phiếu Trung Nam, chưa được phản ánh vào giai đoạn 8 tháng đầu năm 2023 khi thị trường thuận lợi. Tuy nhiên, khi thị trường bước vào xu hướng đảo chiều, giảm điểm như hiện tại, thông tin hoạt động kinh doanh thua lỗ tại các đơn vị của Trung Nam và chậm trả lãi trái phiếu có thể sớm tác động không tích cực tới giá cổ phiếu VND do liên quan tới mảng tự doanh trái phiếu.

Kế hoạch gọi vốn mới của VNDirect có gặp trở ngại?

Những năm qua, VNDirect liên tục thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua các đợt chào bán cổ phiếu. Trong đó, năm 2021, Công ty tăng vốn điều lệ 97,3% so với năm 2020, lên 4.349,4 tỷ đồng; năm 2022 tăng 180% so với năm 2021, lên 12.178,4 tỷ đồng. Công ty tiếp tục kế hoạch gọi vốn thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu, cũng như phát hành cổ phiếu riêng lẻ từ năm 2023 đến năm 2024, sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, VNDirect đã thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 243,6 triệu cổ phiếu cho từ một đến 5 nhà đầu tư, giá chào bán chưa được công bố; chào bán 24,36 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên; phát hành 12,18 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động; chào bán cho cổ đông hiện hữu 243,57 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 20%).

Như vậy, nếu tăng vốn thành công theo kế hoạch đã thông qua năm 2023, vốn điều lệ của VNDirect lên 18.024,1 tỷ đồng, tăng 7,18 lần so với năm 2020 và VNDirect trở thành đơn vị có vốn điều lệ lớn nhất trong nhóm công ty chứng khoán.

Đối với kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 2.435,7 tỷ đồng và triển khai trong năm 2023, 2024. Mục đích chào bán là tăng quy mô hoạt động để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, năng lực kinh doanh nguồn vốn trên thị trường, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền, bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Quay trở lại 2 đợt chào bán trước đó để tăng vốn gấp đôi từ tháng 6/2021 đến tháng 4/2022, dòng tiền có dấu hiệu chảy mạnh vào đầu tư trái phiếu. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2019, giá trị trái phiếu doanh nghiệp là 95,4 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng tài sản, nhưng ngày 30/6/2023, giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên 9.387,7 tỷ đồng, chiếm hơn 22,3% tổng tài sản của Công ty.

Thời gian tới, khi thị trường lao dốc, hiệu ứng “nghèo” đi của nhà đầu tư khi giá cổ phiếu giảm ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán. Điều này có thể dẫn tới việc nhà đầu tư hạn chế nộp thêm tiền vào các doanh nghiệp trong các đợt chào bán, ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch gọi vốn mới của VNDirect.

Tin liên quan
Tin khác