Hội nghị triển khai kế hoạch 2016 của VNPT |
"Về đích" tái cấu trúc!
Dấu ấn lớn nhất năm 2015 của VNPT là đã cơ bản hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015, vượt kế hoạch dự kiến 5 năm ( dự kiến theo lộ trình ban đầu năm 2020 mới hoàn thành được tái cấu trúc).
Theo đó, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án tái cơ cấu – chuyển đổi thành công và hiệu quả mô hình tổ chức SXKD tại 63 VNPT tỉnh/thành, ngay từ đầu năm 2015, VNPT đã chuẩn bị mọi điều kiện hoàn thiện bộ máy nhân sự cấp cao, thành lập 3 Tổng công ty.
Trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố những Quyết định bổ nhiệm quan trọng, kiện toàn nhân sự cấp cao của Tập đoàn VNPT với các vị trí: Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn. Theo đó, từ ngày 23/3/2015, Thành viên Hội đồng Thành viên - Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT. Ngày 2/4/2015, Quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trao cho ông Phạm Đức Long.
Đến tháng 5/2015, VNPT đã công bố quyết định thành lập 3 Tổng Công ty gồm Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media), Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net). Tiếp đó, các vị trí lãnh đạo chủ chốt của 3 Tổng công ty cũng đã được VNPT bổ nhiệm. Đến cuối tháng 6/2015, VNPT đã công bố Quyết định thành lập các đơn vị kinh tế trực thuộc 3 Tổng Công ty.
Từ ngày 1/7/2015, 3 Tổng Công ty đã đi vào hoạt động theo mô hình mới. Với sự ra đời của 3 Tổng công ty, hoạt động SXKD của VNPT đã hình thành một chuỗi giá trị từ Nội dung đến Hạ tầng và tới Khách hàng. VNPT cũng đã triển khai bàn giao thử nghiệm 6 Trung tâm Kinh doanh của 6 VNPT tỉnh/thành về VNPT-VinaPhone. Đây cũng là điểm khởi đầu cho giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tái cơ cấu VNPT, giai đoạn quan trọng làm tiền đề cho hoạt động của VNPT cả về hạ tầng mạng lưới và hệ thống bán hàng.
Cũng trong tháng 7/2015, sau khi 63 VNPT tỉnh/thành cơ bản hoạt động ổn định và bộ khung của 3 Tổng Công ty được hoàn thiện, VNPT đã bắt tay vào tổ chức sắp xếp lại các Ban/đơn vị chức năng tham mưu thuộc Cơ quan Tập đoàn theo hướng tinh giản bộ máy.
Ngay sau khi mô hình được hoàn thiện và bộ máy nhân sự từ Tập đoàn đến các đơn vị được kiện toàn, bước tiếp theo trong lộ trình tái cấu trúc của VNPT đã được thực hiện. Đó là việc bàn giao nguồn lực theo mô hình 3 Tổng Công ty, đặc biệt là bàn giao 57 Trung tâm Kinh doanh – VNPT tỉnh/thành còn lại về VNPT-Vinaphone được thực hiện vào đầu tháng 10/2015. Với việc bàn giao này, VNPT đã tập trung được nguồn lực theo định hướng chuyên biệt, thống nhất 1 đầu mối bán hàng duy nhất tại các địa phương để nâng cao hiệu quả bán hàng và chăm sóc khách hàng. Hiện tại, 3 Tổng công ty của VNPT đã ổn định bộ máy, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, xây dựng các cơ chế quản lý nội bộ theo mô hình mới, ổn định hoạt động SXKD và phát huy hiệu quả.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển – đơn vị kinh tế trực thuộc Tập đoàn cũng đã được thành lập.
Cùng với hoàn thiện mô hình tổ chức các cấp, trong năm 2015, VNPT cũng đã hoàn thành các nội dung khác của Đề án tái cơ cấu như: bàn giao các đơn vị của Tập đoàn về Bộ Thông tin và truyền thông, UBND tỉnh, thành phố quản lý theo quy định; Thực hiện việc thoái vốn, sắp xếp lại phần vốn góp của VNPT tại các doanh nghiệp khác...
Hiệu quả kinh doanh ấn tượng!
Dấu ấn đậm nét thứ 2 bên cạnh hoàn thành xuất sắc, trước thời hạn "Đề án tái cơ cấu" là việc điều hành sản xuất kinh doanh không những đảm bảo ổn định trong quá trình tái cấu trúc mà còn đạt kết quả rất ấn tượng.
Cụ thể, năm 2015, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt gần 90.000 tỷ đông, đạt 102% kế hoạch và tăng 7,5% so với năm 2014. Đặc biệt, tổng lợi nhuận của VNPT đạt 3.280 tỷ, đạt gần 112% kế hoạch, tăng 20% so với thực hiện năm 2014.
Năm 2015, tổng nộp ngân sách Nhà nước 2015 đạt 3.555 tỷ, đạt gần 115% kế hoạch, tăng gần 4% so với thực hiện 2014.
Đáng lưu ý là, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2015 hoàn thành gần 114% kế hoạch Bộ TTTT giao, tăng gần 21% so với thực hiện 2014. Bên cạnh đó, năng suất lao động theo doanh thu kinh doanh VT-CNTT đạt hơn 2.000 tỷ đồng/người/năm, tăng gần 16% so với thực hiện năm 2014.
Đặt mục tiêu cao năm 2016
Năm 2016, Tập đoàn VNPT đã đề ra chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2016 gồm: Lợi nhuận tăng 15% so thực hiện năm 2015; Doanh thu tăng 8% so với thực hiện năm 2015; Hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch nộp ngân sách năm 2016; Hoàn thành chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do Bộ Thông tin và Truyền thông giao.
Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho cho biết, để đạt những mục tiêu này, năm 2016, VNPT sẽ tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ di động để dịch vụ di động Vinaphone trở thành dịch vụ được khách hàng đánh giá có chất lượng tốt nhất.
Cùng với đó, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống kênh phân phối, điểm bán hàng, đổi mới mạnh mẽ công tác chăm sóc khách hàng để năm 2016 mạng Vinaphone trở thành mạng di động có chất lượng chăm sóc khách hàng tốt nhất.
Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, bên cạnh các chỉ tiêu SXKD, năm 2016, Tập đoàn VNPT cũng đề ra các mục tiêu trọng tâm khác như: Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế kinh tế và cơ chế điều phối hoạt động SXKD trong toàn Tập đoàn phù hợp với mô hình mới và các quy định của pháp luật nhằm tạo động lực cho các đơn vị thành viên, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, hiệu quả; Tập trung phát triển các dịch vụ mũi nhọn, chuyển dịch cơ cấu dịch vụ truyền thống sang dịch vụ CNTT và Giá trị gia tăng; Tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu hóa nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả SXKD, đảm bảo đời sống CBCNV.
VNPT cũng sẽ tập trung đầu tư phát triển mạng lưới theo phương án hiện đại hóa chuyển đổi đồng-quang và quang hóa đến nhà thuê bao, tối ưu năng lực và vùng phủ mạng vô tuyến 2G/3G/4G, mạng Core và truyền tải di động và cung cấp dịch vụ 4G khi được Bộ TT&TT cấp phép.
Sang năm 2016, VNPT sẽ tập trung tái cơ cấu khối CNTT; bám sát các định hướng, giải pháp về triển khai chính phủ điện tử, đẩy mạnh thuê ngoài ứng dụng CNTT với các dịch vụ công, lĩnh lực thuế, hải quan, y tế... của Chính phủ, các Bộ/Ngành để triển khai cung cấp các dịch vụ CNTT của VNPT; Phát triển hệ sinh thái các bộ giải pháp CNTT phục vụ chính quyền điện tử và các chuyên ngành giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế.