Chuyển đổi số - Kinh tế số
VNPT đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức chuyển đổi số
Tú Ân - 02/12/2020 14:47
VNPT tin tưởng hệ sinh thấy giải pháp Chuyển đổi số cho doanh nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp thành viên Hội tin học TP.HCM nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4  mang đến nhiều cơ hội và thách thức, để chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu hợp lực giữa các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số và cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho tổ chức – doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu cung cấp trọn gói bộ giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp, vào ngày 4/12 tới, tại Tp Hồ Chí Minh, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cùng Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA) sẽ tổ chức Hội nghị “Hợp tác chuyển đổi số Doanh nghiệp”.

Đây là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tiến tới xây dựng xã hội số tại Việt Nam.

Tại Hội nghị “Hợp tác chuyển đổi số Doanh nghiệp” này, Tập đoàn VNPT sẽ giới thiệu khung kiến trúc công nghệ nền tảng, quy hoạch bộ giải pháp ứng dụng cho các chuyên ngành và cơ chế hợp tác đa dạng phù hợp với các đối tác là đơn vị khởi nghiệp, nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ, nhà kinh doanh tích hợp và nhà phát triển ứng dụng.

VNPT tin tưởng hệ sinh thái giải pháp Chuyển đổi số cho doanh nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của khối doanh nghiệp theo các giai đoạn số hoá, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số theo chuyên ngành.

Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của Tâp đoàn VNPT.
Theo lãnh đạo VNPT, chuyển đổi số doanh nghiệp là một khái niệm có nội hàm rộng, phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược của từng tổ chức, doanh nghiệp, nhằm có cách tiếp cận phù hợp nhất. Tuy nhiên, VNPT nhận thấy 3 điểm chung về khái niệm chuyển đổi số.
Một là hướng đến chủ thể khách hàng, gia tăng gắn kết, trải nghiệm tích cực giữa tổ chức, doanh nghiệp với khách hàng. Nói đơn giản, đối với khách hàng, phải mời khách hàng lên không gian số để tương tác và thấu hiểu khách hàng thông qua ứng dụng di động, cổng thanh toán, hệ thống phân tích dữ liệu…
Thứ hai, chuyển đổi số hướng đến các mô hình kinh doanh và dịch vụ mang lại giá trị mới. Một doanh nghiệp số phải sử dụng dữ liệu và công nghệ để phát triển không ngừng nghỉ mô hình bán hàng mới, cách thức giao hàng mới hay những dịch vụ mới.
Thứ ba, chuyển đổi số là tối ưu hóa quy trình vận hành, ra quyết định dựa trên công nghệ. Sau khi số hóa được nhân sự, khách hàng, tài sản, hàng hóa, dòng tiền… doanh nghiệp cần liên tục thiết kế và tối ưu quy trình dựa theo yêu cầu mà mô hình kinh doanh đặt ra, trên tư duy là công nghệ có thể đơn giản hóa các quy trình này, hơn nữa là áp dụng các công nghệ thông minh để hỗ trợ con người ra quyết định chính xác hơn khi tác nghiệp hay điều hành.
“Chuyển đổi số là cơ hội ngàn năm có một của Việt Nam, của doanh nghiệp công nghệ và của toàn bộ khối doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp trên phạm vi toàn quốc. Với tầm nhìn hợp lực và kết nối giữa các doanh nghiệp ICT về mọi mặt như kiến tạo sản phẩm giải pháp số, kinh doanh và cung cấp giải pháp, dịch vụ trên phạm vi toàn quốc”, ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc VNPT chia sẻ.

Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã và đang tham gia với vị thế doanh nghiệp công nghệ trụ cột. Đối với chuyển đổi số chính quyền, VNPT đã được Chính phủ, các bộ, ngành các địa phương tin tưởng đồng hành trong nhiệm vụ xây dựng Chính phủ số.

Thế mạnh của VNPT trước tiên là hạ tầng số đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế rộng khắp toàn quốc, bao gồm hạ tầng cáp quang tốc độ cao, mạng di động 4G và sắp tới là 5G, trung tâm dữ liệu ở 3 miền với công nghệ ảo hóa hiện đại.

Thế mạnh thứ hai là về nguồn nhân lực CNTT. Các đơn vị nghiên cứu, phát triển dịch vụ số của VNPT như VNPT-IT, VNPT-Media, VNPT-Technology đang thu hút số lượng lớn các kỹ sư CNTT trình độ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0. Thời gian qua, VNPT đã đề xuất và bắt tay xây dựng các nền tảng số dùng chung cung cấp ở quy mô quốc gia, như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia; Nền tảng thanh toán Payment Platform; Hệ thống định danh và xác thực điện tử; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, …

Hiện tại tại 63 tỉnh/thành phố đều có sự hiện diện của giải pháp do VNPT cung cấp, trong đó 30/63 tỉnh sử dụng gần như trọn vẹn bộ giải pháp trong hệ sinh thái Chính quyền số của VNPT.

Tin liên quan
Tin khác