VNPT đầu tư 44 triệu USD cho tuyến cáp quang APG
Nhà thầu NEC (Nhật Bản) cho biết đã hoàn tất việc xây dựng tuyến cáp quang biển mới Asia-Pacific Gateway (APG) chạy qua các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Mạng cáp quang biển mới này được kỳ vọng giúp mạng Internet Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến cáp Asia America Gateway (AAG) hiện nay.
Tuyến cáp quang APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tbps. Nếu so sánh với cáp quang AAG có băng thông 2,88 Tbps, thì cáp quang APG có tốc độ đường truyền Internet nhanh hơn gần 20 lần.
Tuyến cáp quang APG dài 10.900 km, có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tbps |
Ông Shunichiro Tejima, Phó chủ tịch của NEC cho biết, tuyến cáp quang APG dài 10.900 km, được kỳ vọng sẽ mở ra cuộc đua mới trong lĩnh vực kết nối Internet tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. VNPT và Viettel là 2 nhà mạng Việt Nam tham gia đầu tư và được quyền sử dụng tuyến cáp quang này.
APG được lên kế hoạch từ 2009 và bắt đầu triển khai từ năm 2012. Hai công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam là VNPT và Viettel các đối tác như China Mobile, China Telecom, China Unicom, Chunghwa Telecom,
Facebook, KT Corp, LG Uplus, NTT Communications, StarHub, Time dotCom (Global Transit), CAT tham gia xây dựng tuyến. VNPT tham gia đầu tư gần 44 triệu USD với tư cách thành viên cập bờ, điểm cập bờ tại TP. Đà Nẵng.
Sau khi đi vào hoạt động, cáp quang APG sẽ giúp Việt Nam kết nối Internet rất nhanh với các trung tâm kinh tế hàng đầu trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Mỹ (APG + Faster). Cáp APG sẽ kết nối tới điểm trung chuyển tại Nam Thái Bình Dương (PC-1) ở Osaka (Nhật Bản), sau đó kết nối tới Mỹ. Ngoài ra, APG còn giúp tăng đáng kể khả năng dự phòng cho các kênh kết nối Internet quốc tế hiện tại của Việt Nam.
VNPT bắt đầu khai thác APG từ đầu năm 2017
Thông tin mới nhất từ VNPT cho biết, nhà mạng này sẽ cung cấp dịch vụ trên hệ thống mạng cáp quang APG vào đầu năm 2017.
Trong 2 năm trở lại đây, tuyến cáp quang biển AAG - tuyến cáp chính truyền dẫn lưu lượng Internet quốc tế của các ISP trong nước liên tục gặp sự cố. Điều đó cho thấy, quyết định đầu tư vào APG của VNPT là sáng suốt. APG đi vào hoạt động không chỉ hứa hẹn chấm dứt hiện tượng gián đoạn dịch vụ khi AAG gặp sự cố, mà còn giúp tăng tốc độ kết nối Internet quốc tế cho người dùng trong nước.
Hiện tại, VNPT đang đầu tư tuyến cáp AAE-1 (AAE1-Asia Africa Euro 1) nối các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi. Dự kiến, tuyến cáp này cũng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017.
Ngoài ra, VNPT đang quản lý trực tiếp trạm cập bờ của hai tuyến cáp quang biển lớn là SMW-3 và AAG. Hệ thống SMW-3 dung lượng 80 Gbps được đưa vào khai thác từ tháng 9/1999, kết nối Việt Nam với gần 40 nước Á - Âu, trong đó, dung lượng VNPT đang sử dụng lên tới 65 Gbps. AAG là tuyến cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, kết nối trực tiếp từ khu vực Đông Nam Á tới Mỹ, đi qua các nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Hồng Kông, Philippines và Mỹ.
Chưa hết, VNPT còn sở hữu các tuyến cáp quang trên đất liền kết nối trực tiếp tới 3 nước láng giềng: Lào (dung lượng 10 Gbps), Campuchia (dung lượng 40 Gbps) và Trung Quốc (dung lượng 140 Gbps).
Cùng với đó, hệ thống hai vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 giúp VNPT bổ sung, tăng cường kết nối tới các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.
Như vậy, với việc đầu tư xây dựng hai tuyến cáp quang biển quốc tế mới, VNPT tiếp tục là doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng truyền dẫn mạnh nhất, hoàn chỉnh nhất, từ cáp quang biển, cáp đất liền đến vệ tinh.