Doanh nghiệp
VNPT “tiến quân” vào sản xuất công nghiệp
Tú Ân - 04/02/2016 08:32
Năm 2016, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) rầm rộ tiến quân vào mảng sản xuất công nghiệp công nghệ viễn thông.
TIN LIÊN QUAN

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của VNPT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son yêu cầu VNPT tập trung phát triển đồng bộ 4 trụ cột là hạ tầng - kinh doanh - dịch vụ - công nghiệp theo đúng định hướng phát triển của Tập đoàn là “chuyên biệt - chuyên nghiệp - hiệu quả”. Trong đó, chú ý phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, công nghiệp CNTT là một thế mạnh vốn có của VNPT từ những ngày đầu, khi mới ra đời đã hợp tác với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực này. Công nghiệp CNTT sẽ là cơ sở cho sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của VNPT.

.

“VNPT cần đặt ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2016, khi hội đủ yếu tố, sẽ có thể thành lập Tổng công ty Công nghiệp CNTT”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Như vậy, việc làm chủ công nghệ, tự sản xuất hoàn toàn các sản phẩm công nghiệp CNTT không chỉ phục vụ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước, mà còn tạo cơ hội, nâng cao sức cạnh tranh cho VNPT thâm nhập thị trường quốc tế.

Còn theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT, chiến lược phát triển của VNPT là chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ viễn thông thuần túy sang cung cấp các dịch vụ tích hợp giữa viễn thông và CNTT để phục vụ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và cả khối khách hàng chính phủ. VNPT đặt mục tiêu làm chủ được công nghệ sản xuất thiết bị đầu cuối.

Cụ thể hơn, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, năm 2016, VNPT sẽ thúc đẩy hoạt động của khối công nghiệp, xây dựng các đơn vị trụ cột sản xuất thiết bị ngoại vi phụ trợ, thiết bị điện tử, viễn thông và CNTT, với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Nguyên do để VNPT bước chân vào sản xuất công nghiệp xuất phát từ thực tiễn, từ chiến lược phát triển lâu dài của VNPT và từ nhu cầu thực tế của khách hàng.

Theo ông Phạm Đức Long, phần lớn thiết bị công nghệ và thiết bị đầu cuối của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT tại Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nước ngoài. Trong khi đó, vấn đề an toàn an ninh ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là các thiết bị đầu cuối, nơi lưu giữ thông tin khách hàng.

Trong khi đó, hiện VNPT đã sản xuất 100% các thiết bị đầu cuối băng rộng. VNPT đã tự sản xuất các thiết bị đầu cuối như modem Internet băng rộng, đầu cuối của MyTV, đầu cuối Wi-Fi. Những sản phẩm này có nhiều ưu điểm như thông minh hơn, đa dịch vụ hơn mà trên thị trường chưa đáp ứng được và phải là nhà khai thác lâu năm có kinh nghiệm mới phát triển được.

“Trước đây, cáp quang VNPT phải nhập từ Trung Quốc, nhưng hiện nay, toàn bộ cáp quang đã được VNPT tự sản xuất và cung ứng ra thị trường. Đến nay, sản phẩm này có chất lượng tốt hơn, giá rẻ hơn các sản phẩm nhập khẩu”, ông Long cho biết.

Hiện nay, khối công nghiệp của VNPT chủ yếu sản xuất cáp. Nếu VNPT muốn cung cấp giải pháp cho khách hàng thì phải làm chủ công nghệ. Đóng vai trò chủ lực trong sản xuất công nghiệp của VNPT hiện nay là Công ty VNPT Technology, đơn vị có nhiệm vụ sản xuất thiết bị điện tử của Tập đoàn và đóng vai trò nòng cốt của khối công nghiệp. Hiện nay, VNPT Technology có dây chuyền sản xuất và được giao sản xuất các thiết bị đầu cuối. VNPT đang đặt mục tiêu sản xuất các thiết bị đầu cuối như smartphone, đầu cuối quang, đầu cuối thiết bị cho MyTV…

“Các doanh nghiệp Việt Nam đủ sức, đủ trình độ và công nghệ để bước chân vào sản xuất công nghiệp. Vấn đề là đầu tư như thế nào và chiến lược như thế nào cho sản xuất công nghiệp, nghiên cứu và phát triển. Cách đây 20 năm, khi VNPT đổi mới đã có các đối tác đến đề xuất bán thiết bị cho VNPT. Hiện nay, cùng với việc phát dịch vụ ra quốc tế, VNPT cũng muốn chuyển giao công nghệ, hợp tác với đối tác, đảm bảo tính bền vững trong hợp tác. Khi VNPT chia sẻ quan điểm này với một số đối tác trong khu vực, họ rất ủng hộ. Đó là một không gian phát triển mới, rộng lớn hơn cho VNPT trong tương lai”, ông Phạm Đức Long cho biết.

Tin liên quan
Tin khác