Viễn thông - Công nghệ
Vỡ trận giá cước 4G, nhà mạng lao đao
Tú Ân - 24/07/2020 09:59
Lưu lượng, thuê bao 4G tăng mạnh, nhưng doanh thu lại không tương xứng đang là thực trạng đáng lo ngại của thị trường viễn thông.
Cuộc chiến giá cước 4G chưa có dấu hiệu chấm dứt, các nhà mạng vẫn tiếp tục tung ra các gói cước giá rẻ.

Giá cước data rẻ hơn cốc trà đá

Giá 1 GB data tại Việt Nam rẻ hơn… 1 cốc trà đá là thực trạng trên thị trường Việt Nam. Ví dụ như VinaPhone có gói cước VD89, giá 89.000 đồng/tháng với 120 GB, tương đương 1.333 đồng/GB. Hay như gói V90 của Viettel với 2G/ngày, giá 90.000 đồng/tháng, tương đương 1.500 đồng/GB. Còn MobiFone có gói C90 với giá 90.000 đồng/tháng, được 60 GB, tương đương 1.500 đồng/GB. Đây là các gói cước data có mức giá thấp nhất được ghi nhận trên thị trường viễn thông.

Trước đó, năm 2016 - 2017, khi mới khai trương mạng 4G, VinaPhone cung cấp gói cước BIG 70, với 70.000 đồng/tháng sẽ được sử dụng dung lượng 1,6 GB, gói BIG 300 với 300.000 đồng/tháng, khách hàng sẽ được sử dụng gói dung lượng 10 GB. Nhà mạng Viettel bán 5 mức gói cước cho người dùng lựa chọn, bắt đầu từ gói cước giá 40.000 đồng/GB, cao nhất là 200.000 đồng/10 GB. Tương tự, MobiFone bán gói cước HD70, với 70.000 đồng/tháng được 2,4 GB...

Với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/GB năm 2016 - 2017, đến nay, giá cước data 4G đã giảm cực nhanh và sâu, chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/GB, tức là giảm tới 10-20 lần so với 3 năm trước. Với giá cước data 4G rẻ mạt hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có giá cước 4G rẻ nhất thế giới.

Doanh thu các nhà mạng liên tục sụt giảm. Tính đến hết tháng 6/2020, tổng số thuê bao 3G, 4G của các nhà mạng đạt 65,33 triệu thuê bao, tăng hơn 8 triệu thuê bao so với cùng kỳ, nhưng doanh thu giảm gần 11% so với cùng kỳ 2019. 4G đang là động lực, trụ cột chính mang lại doanh thu của các nhà mạng, nghịch lý hiển hiện là lưu lượng, thuê bao tăng trưởng mạnh, nhưng doanh thu lại thấp, nguyên nhân là do cuộc chiến giảm giá cước giữa các nhà mạng.

Đưa nhau tới bờ vực

Hiện tại cơ cấu doanh thu viễn thông từ thoại và tin nhắn chiếm khoảng 70%, còn lại 30% là từ data. Nhưng, thoại và tin nhắn đang giảm rất nhanh, theo ước tính của các nhà mạng, doanh thu từ dịch vụ thoại đang giảm mạnh khoảng 16% mỗi năm. Nhà mạng buộc phải đẩy mạnh doanh thu từ data để bù đắp và cách nhanh nhất là giảm giá cước để tăng khách hàng, khuyến khích tiêu dùng. Điều này dẫn đến nghịch lý “lưu lượng tăng mạnh, doanh thu sụt giảm”.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, doanh thu dịch vụ data của VNPT năm 2019 tăng trưởng gần 20%. Lưu lượng dịch vụ data có mức độ tăng trưởng trong năm 2019 gần 3 lần, nhưng doanh thu chỉ tăng 18,6%. Nguyên nhân là thị trường viễn thông di động đang cạnh tranh quá mạnh, dẫn tới các dịch vụ chủ lực, trong đó có data, dù lưu lượng tăng gấp 3 lần, khách hàng tăng, nhưng doanh thu tăng rất thấp và không tương xứng.

Còn theo ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, hiện nay, tăng trưởng chính của viễn thông là data, thoại thì giảm mạnh. 4G của nhà mạng lớn nhất Việt Nam này tăng hơn 200%, 3G tăng khoảng 30%, còn thoại giảm tới 45%. Tăng trưởng của data lớn như vậy, đặc biệt 4G, nhưng do doanh thu từ thoại vẫn rất lớn, do vậy mức tăng của data mới chỉ giúp duy trì được mức tăng trưởng nói chung của nhà mạng, chứ chưa tạo đột phá.

Ông Nguyễn Trường Giang, quyền Tổng giám đốc VNPT VinaPhone nhận xét, các nhà mạng cạnh tranh thu hút khách hàng sử dụng data bằng cách giảm giá cước, nên dù lưu lượng data lớn, nhưng doanh thu không tăng.

Hai năm 2018 - 2019 đã chứng kiến một cuộc giảm giá data khủng khiếp, khiến lưu lượng data luôn tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng doanh thu data chỉ tăng từ 10-20%. Một số nhà mạng nhỏ đầu tư xây dựng hạ tầng ít, nhưng liên tục tung ra các gói cước rất rẻ và siêu rẻ để lôi kéo khách hàng. Các nhà mạng buộc phải “tham chiến” giảm giá cước.

Cuộc chiến giá cước 4G chưa có dấu hiệu chấm dứt, các nhà mạng vẫn tiếp tục tung ra các gói cước giá rẻ. Điều này dẫn đến việc triệt tiêu lợi nhuận của nhà mạng. Việc cạnh tranh đẩy giá 4G xuống rất thấp như hiện nay khiến các doanh nghiệp không đủ nguồn để tái đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng lưới, đổi mới công nghệ.

Rất có thể, cuộc chiến giảm giá cước sẽ khiến một số nhà mạng lâm vào cảnh lao đao, liên tục suy giảm doanh thu, lợi nhuận và đối mặt với viễn cảnh mất dần nguồn lực, khách hàng. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý cần lưu ý để có giải pháp điều chỉnh hợp lý, tránh vỡ trận thị trường viễn thông.

Tin liên quan
Tin khác