Đầu tư
Vốn đầu tư công: Khó tiêu lại xin trả, giải ngân sao cho hết?
Hà Nguyễn - 11/08/2023 09:55
Dù 7 tháng, giải ngân vốn đầu tư công đã tích cực hơn, nhưng lại xuất hiện tình trạng một số bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn đầu tư. Điều này khiến áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm nay thêm lớn.
Đang lặp lại tình trạng một số bộ, ngành, địa phương khó khăn trong giải ngân đầu tư công nên xin trả lại vốn nhà nước.

Điệp khúc “khó tiêu lại xin trả”

Một thông tin quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ mới đây, đó là đã có một số bộ, ngành, địa phương xin “trả lại” vốn kế hoạch năm 2023.

Cụ thể, đến ngày 31/7/2023, có 7 địa phương dù đã thực hiện phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 được giao, nhưng vẫn kiến nghị điều chỉnh giảm kế hoạch để điều chuyển cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu. Số vốn đề nghị giảm là hơn 1.758 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 1.230 tỷ đồng và vốn nước ngoài trên 528 tỷ đồng.

Cùng với đó, còn một số bộ, ngành, địa phương đề nghị điều chuyển hơn 5.353 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2023 chưa được phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án. Trong đó, vốn trong nước hơn 4.352 tỷ đồng, vốn nước ngoài hơn 1.000 tỷ đồng. Thậm chí, trong số này, còn có hơn 2.746 tỷ đồng từ nguồn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023.

Như vậy, tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 mà các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất điều chỉnh giảm là hơn 7.112 tỷ đồng (vốn trong nước trên 5.582 tỷ đồng, vốn nước ngoài trên 1.529 tỷ đồng).

Điệp khúc “khó tiêu lại xin trả” một lần nữa lặp lại. Cần phải nhắc lại rằng, cuối năm ngoái, trong các báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 2020, xuất hiện tình trạng các bộ, ngành, địa phương có văn bản đề nghị xin “trả lại” vốn, do không giải ngân được. Con số của năm 2020 là trên 14.000 tỷ đồng, năm 2021 là trên 20.000 tỷ đồng. Năm 2022, một tỷ lệ vốn không nhỏ cũng được các bộ, ngành, địa phương xin hoàn trả. Và bây giờ, câu chuyện đang lặp lại, dù con số tới thời điểm này chưa lớn, chỉ trên 7.112 tỷ đồng.

Việc xin trả lại vốn không chỉ không thực hiện nghiêm các chỉ tiêu pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ, có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mà còn ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng nguồn lực của quốc gia, hiệu quả đầu tư.

Đầu tháng 3 năm nay, khi ban hành chỉ thị về giải pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao năm nay; bố trí vốn, không để tình trạng có vốn mới chuẩn bị đầu tư, vốn chờ thủ tục và “không trả lại kế hoạch vốn năm 2023”.

Chỉ thị đã nêu rõ như vậy, nhưng đến nay, vẫn có bộ, ngành, địa phương xin trả lại vốn. Thậm chí, đến cuối tháng 7/2023, vẫn còn hơn 60.000 tỷ đồng, chiếm 8,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vẫn chưa được phân bổ chi tiết. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 23.772 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 36.541 tỷ đồng.

Điều này đặt ra áp lực lớn những tháng cuối năm, không chỉ cần phân bổ hết vốn, mà phải thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công.

Áp lực giải ngân rất lớn

Giải ngân vốn đầu tư công đang trong xu hướng tích cực. Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 7/2023, ước tính, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 267.625 tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối.

Cụ thể, cao hơn 3,38 điểm phần trăm về tỷ lệ và cao hơn gần 81.000 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn trong nước là 261.619 tỷ đồng (đạt 38,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 6.006,2 tỷ đồng (đạt 21,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

“Đây là tháng thứ hai liên tiếp, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, cả về tỷ lệ và số vốn giải ngân. Điều này cho thấy, các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và sự vào cuộc của các cấp, các ngành trên cả nước đã phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy vậy, từ nay tới cuối năm, áp lực giải ngân còn rất lớn. Bởi lẽ, tổng nguồn lực đầu tư công năm nay là hơn 711.000 tỷ đồng. Như vậy, vẫn còn gần 450.000 tỷ đồng đang “chờ được tiêu”. Đặc biệt, trong số này, áp lực giải ngân phần chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội rất lớn.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 176.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đạt trên 175.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước đến cuối tháng 7/2023, mới có 30.260 tỷ đồng được giải ngân, đạt khoảng 17,3% số vốn đã được giao chi tiết.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 176.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đạt trên 175.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước đến cuối tháng 7/2023, mới có 30.260 tỷ đồng được giải ngân, đạt khoảng 17,3% số vốn đã được giao chi tiết.

“Đây là tỷ lệ giải ngân thấp, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn kế hoạch vốn của Chương trình (147.138 tỷ đồng - PV) đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết từ tháng 9/2022 và Quốc hội đã cho phép áp dụng các chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tạo áp lực giải ngân lớn đến hết kế hoạch năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo quy định, toàn bộ vốn của Chương trình phải giải ngân hết trong năm nay. Thời gian còn lại không nhiều, nên áp lực càng nặng nề. Nhất là khi đã có một số bộ, ngành, địa phương xin “trả lại” hơn 2.746 tỷ đồng vốn từ Chương trình vì chưa thể phân bổ chi tiết.

Giải ngân không hết không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng như trong những năm sắp tới. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, giải ngân đầu tư công được coi là động lực quan trọng.

Chính vì thế, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời phát hiện những quy định pháp luật bất cập, những vấn đề vướng mắc; rà soát và cương quyết cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính…

“Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần đẩy mạnh giải ngân vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cùng vốn đầu tư công, bởi theo đánh giá của chúng tôi, nếu giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2% vào tăng trưởng GDP năm 2023”, chuyên gia Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật

Không chỉ cần thúc đẩy giải ngân, mà việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công cũng  được đặt ra bức thiết. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 7 tháng qua, trong khi có 8 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 40% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì vẫn có 43 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 

Đặc biệt, qua rà soát, so với khối địa phương, thì các bộ, cơ quan quan trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá thấp, không có chuyển biến nhiều về tỷ lệ giải ngân qua các tháng. Cụ thể, trong số 43/51 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, có 32 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Thậm chí, một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như Ủy ban Dân tộc (0%), Kiểm toán Nhà nước (0%)…

Hơn thế, việc “khó tiêu lại xin trả” càng cho thấy còn nhiều vấn đề trong công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư. Trong báo cáo về tình hình giám sát tổng thể đầu tư năm 2022, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ hồi cuối tháng 7/2023, điều này một lần nữa được nhấn mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầu tư chưa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm đúng mức, chất lượng thấp, phê duyệt mang tính hình thức; công tác lập kế hoạch vốn ngân sách hàng năm vẫn yếu, chưa sát với khả năng thực hiện…, dẫn tới hầu hết các bộ, ngành, địa phương không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định, tình trạng đề xuất trả lại vốn tiếp tục có xu hướng tăng cao…

Chưa kể, còn hàng loạt vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, phải điều chỉnh dự án nhiều lần, năng lực thi công còn hạn chế làm chậm tiến độ dự án.

Báo cáo giám sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2022, có 2.086 dự án bị chậm tiến độ, chiếm 2,9% số dự án đầu tư trong kỳ. Trong khi đó, số dự án phải điều chỉnh là 3.673 dự án… Đây chỉ là số liệu được thống kê dựa trên thông tin cập nhật của 40.596 dự án trên tổng số 71.069 dự án được thực hiện trong kỳ, đạt tỷ lệ 57,1%. Con số có thể lớn hơn, nếu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo, giám sát đầu tư.

Không chỉ chậm tiến độ, tổng hợp báo cáo giám sát đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vẫn có 2 dự án vi phạm thủ tục đầu tư; 70 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 131 dự án có thất thoát, lãng phí…

Tin liên quan
Tin khác