Nhưng sẽ không dừng lại ở con số 8 tỷ USD, tham vọng của Thái Lan là trở thành 1 trong 10 quốc gia đầu tư lớn tại Việt Nam trong vòng 2 - 3 năm tới.
Tại Hội thảo "Doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác kinh tế cho sự thịnh vượng chung” do Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam và Tập đoàn SCG tổ chức tại Hà Nội chiều 8/7, Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, ông Don Pramudwinai đã khẳng định như vậy.
Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, ông Don Pramudwinai khẳng định, Thái Lan sẽ trở thành 1 trong 10 quốc gia đầu tư lớn tại Việt Nam. |
Việt Nam là thị trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với doanh nghiệp Thái Lan. Doanh nghiệp Thái Lan đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, du lịch và tài chính. Hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam của các nhà đầu tư Thái Lan thời gian gần đây đã nói lên điều đó.
Trước mẳt, Siam Cement Group (SCG), một trong những Tập đoàn lớn của Thái Lan sẽ tiến hành tăng vốn, thông qua việc mở rộng đầu tư với các dự án hiện có tại Việt Nam.
SCG bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1992 và hiện đã có SCG có 21 công ty đang hoạt động kinh doanh với hơn 6.900 nhân viên, mang đến nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ cao cấp cho thị trường. Các công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng, giấy, nhựa tổng hợp PVC, bê tông tươi, ngói bê tông; trưng bày; thương mại quốc tế và phân phối nội địa; dịch vụ hậu cần.
Theo báo cáo quý I/2016, SCG tại Việt Nam sở hữu tổng tài sản lên đến 14.845 tỷ đồng (675 triệu USD), tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng Quý 1/2016 của tập đoàn đạt 3.336 tỷ đồng (150 triệu USD), tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ hoạt động của ngành bao bì và gạch men.
Đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đã tăng khoảng 35 % từ mức 5,9 tỷ USD vào năm 2012 lên gần 8 tỷ USD vào giữa năm 2016.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Thái Lan đã tăng trưởng hơn 40% trong suốt 5 năm qua. Năm 2015, mức tăng trưởng tiếp tục đạt 10%, với tổng kim ngạch lên tới gần 13 tỷ USD. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa 2 nước có thể đạt 20 tỷ USD.
Những doanh nghiệp có thành tựu sản xuất kinh doanh nổi trội như Tập đoàn CP Thái Lan (CPG), Tập đoàn Amata,Tập đoàn SCG hay mới đây, Tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Lan đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỷ USD, Tập đoàn Thai Charoen Corp (TCC) cũng đã mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam (Đức) với trị giá 876 triệu USD… là thực tế điển hình kéo các doanh nghiệp Thái đến Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ quan điểm đầu tư bền vững và đem lại lợi ích cho người dân Việt Nam, ông Thammasak Sethaudom, Đại diện Tổng Giám đốc quốc gia Tập đoàn SCG tại Việt Nam khẳng định, hướng đến mục tiêu Top 10 quốc gia đầu tư lớn tại Việt Nam, Tập đoàn SCG sẵn sàng hợp tác cùng DN Thái Lan và các đối tác Việt Nam để thiết lập nền móng vững chãi cho các hoạt động đầu tư của DN Thái Lan tại Việt Nam.
Trong khi đó, những doanh nghiệp khác như Green Siam Marketing, TRI Global, Pharmaceutical Industry, CT Industry, NMB-Minebea Thai và Gates Unitta cũng cho biết, họ đánh giá rất cao thị trường Việt Nam và trong tương lai, có thể sẽ mở rộng đầu tư và kinh doanh sang đây.