Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai Dự án đường trục ven biển đoạn Hòa Thắng - Hòa Phú. Đây là dự án trọng điểm tỉnh đặt kỳ vọng là đòn bẩy phát triển du lịch biển. Trục đường ven biển đoạn Hòa Thắng - Hòa Phú dài 23 km, có kết cấu mặt đường bê tông nhựa đi qua hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong. Dự án có mức đầu tư gần 998 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 773 tỷ đồng. “Dự án được phân kỳ đầu tư trong 3 năm, từ 2014 đến 2016, tuy nhiên tiến độ đầu tư đang được đẩy mạnh, dự kiến ngay trong tháng 10/2015 sẽ thông xe trước làn 1”, ông Nam nói.
Trong thời gian ngắn, Bình Thuận đón nhận 2 dự án BOT giao thông có quy mô vốn “khủng” là Dự án Sân bay Phan Thiết và Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Sân bay Phan Thiết có tổng diện tích 543 ha, là dự án sân bay lưỡng dụng. Khu quân sự theo hình thức hợp đồng BT và phần hàng không dân dụng Sân bay Phan Thiết theo hình thức BOT. Tính riêng phần Dự án BOT Sân bay Phan Thiết bao gồm các hạng mục như khu bay, khu hàng không dân dụng, khu vực kỹ thuật và thương mại, hệ thống giao thông… đã có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Trong khi đó, Dự án Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 141 ha diện tích mặt nước, tổng mức đầu tư hơn 2.292 tỷ đồng, quy mô dự án giai đoạn 1 gồm 2 bến tổng hợp cho tàu đến 30.000 DWT và một bến cho tàu đến 3.000 DWT. Hai dự án này đã trước khởi công, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai thi công theo tiến độ.
Dự án đường trục ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú |
Theo thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải Bình Thuận, giai đoạn 2011 -2015, chỉ tính riêng các dự án do địa phương làm chủ đầu tư thì Bình Thuận đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trên 201 km đường 1.169 m cầu và đang tiếp tục triển khai thi công nhiều công trình, dự án lớn như: Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 55, Dự án Cảng Phú Quý giai đoạn 2. Chỉnh trang đô thị các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, cầu và đường Hùng Vương (thành phố Phan Thiết); đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú, cầu Sông Lũy. Nâng cấp, mở rộng đường ĐT 720, ĐT 766; đường Phú Hội - Cẩm Hang - Sông Quao; Nâng cấp Cầu Tràn, cầu Đá Dựng, cầu Trần Hưng Đạo. Giá trị thực hiện đạt gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Bình Thuận triển khai hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thôn. Tổng số km đường bê tông xi măng đã làm được 524 km với tổng kinh phí thực hiện hơn 501 tỷ đồng.
“Nếu thống kê cả những dự án Trung ương đầu tư như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A thì lượng vốn “rót” vào hạ tầng giao thông trên địa bàn rất đáng kể”, ông Phạm Văn Nam nói và cho biết, từ nay tới năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng của địa phương khá lớn, do đó, tỉnh Bình Thuận sẽ đặt trong tâm vào công tác huy động, tập trung tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước hiện đại. Theo đó, ngoài vốn ngân sách Trung ương, địa phương và tín dụng ưu đãi, tỉnh sẽ vận dụng tốt các hình thức đầu tư như BOT, PPP và khai thác quỹ đất để huy động từ 4 -5 ngàn tỷ đồng. Tỉnh hướng ưu tiên đầu tư các trục đường chính, trục đường đối ngoại và đầu tư giao thông phục vụ công nghiệp, phát triển du lịch...
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp thực hiện nhiều dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn như nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp II, III; quốc lộ 28, 55… Đặc biệt là Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó Đoạn Dầu Giây – Phan Thiết chiều dài 98,7km; Đoạn Phan Thiết - Nha Trang chiều dài 226km.