Đầu tư
Vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng
- 19/09/2013 14:18
Có nhiều ý kiến cho rằng, các quỹ đầu tư tư nhân đang tìm cách rút vốn khỏi doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, ông Peter Goodson, Chủ tịch Ban cố vấn của Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital, khẳng định các dòng vốn tư nhân vẫn đang tìm kiếm cơ hội mới tại Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều thông tin cho thấy các nhà đầu tư đang rút vốn khỏi nhiều DN Việt Nam. Ông nhìn nhận về cơ hội đầu tư tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Hiện tại, Việt Nam phải cạnh tranh với các quốc gia khác như Indonesia và Myanmar trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, đây là thời điểm thuận lợi cho DN Việt Nam, vì sau khi trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và các bất ổn vĩ mô, nhiều DN nhận thấy việc hợp tác với các đối tác nước ngoài có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm quản lý, mối quan hệ... là chiến lược khả thi, giúp DN phát triển lớn mạnh và ổn định trong trung và dài hạn.


Ngoài ra, nợ xấu hay thị trường bất động sản gặp khó khăn..., tôi cho rằng không ảnh hưởng nhiều đến DN. Xu hướng tiêu dùng rất lớn cho thấy còn nhiều cơ hội để thành công. Từ đó, tôi cho rằng các nguồn vốn từ quỹ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng.

Vậy theo ông, đâu sẽ là những lĩnh vực hấp dẫn nhất?

Với kinh nghiệm 52 năm mua bán DN ở Mỹ, tôi có thể chia sẻ rằng các quỹ đầu tư tư nhân sẽ không lựa chọn đầu tư theo lĩnh vực, ngành hàng mà việc lựa chọn phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng và tài chính của DN.

Phần lớn các quỹ đưa ra 3 tiêu chí để lựa chọn, gồm: mô hình kinh doanh tốt; sự hợp tác tốt từ công ty chính; và khả năng quản lý của DN đó có phù hợp với quỹ đầu tư hay không.

Tại Việt Nam, các ngành được các quỹ quan tâm hiện nay là: hàng tiêu dùng, y tế và dược phẩm, giáo dục, viễn thông và logistics... Đây đều là những ngành có sự tăng trưởng lớn và nhanh chóng.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam?

Chúng tôi không đặt nặng vấn đề DN đó lớn hay nhỏ. Tôi chỉ tìm hiểu làm cách nào để Mekong Capital có thể giúp công ty đó tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Những DN chúng tôi nhắm đến có vốn tầm 10-15 triệu USD. Nếu nhận thấy DN đó có tiềm năng phát triển lên 5-7 lần trong vòng 5-7 năm tới thì chúng tôi sẽ xem xét đầu tư và từng bước giải quyết những vấn đề mà DN đó đang gặp phải.

Chẳng hạn, một quỹ của Mekong Capital đang đầu tư vào một DN và hỗ trợ DN này giải quyết vấn đề về vốn. Sau đó, hai bên sẽ thực hiện những chiến lược tốt nhất để thúc đẩy công ty phát triển.

Đến một thời điểm nào đó, khi DN này tự phát triển mà không cần đến sự hỗ trợ của quỹ, chúng tôi sẽ thoái vốn. Quyết định thoái vốn là bắt buộc vì quỹ chỉ là đại diện cho nguồn vốn của một số nhà đầu tư hưu trí tại nước ngoài.

Ở Việt Nam, quỹ đầu tư rất ít nên thị trường này sẽ tạo ra giá trị rất lớn. Theo tôi, sẽ tốt hơn nếu đầu tư vào DN nhỏ và vừa vì giá trị tạo ra sẽ lớn hơn so với các DN lớn.

Tiếp cận các nguồn vốn của quỹ, DN Việt Nam nên quan tâm đến những yếu tố nào?

So với các doanh nhân ở Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Indonesia..., doanh nhân ở Việt Nam thu hút tôi nhất. Bởi họ biết đứng lên sau thất bại, tìm cách sửa chữa sai lầm và vượt qua khó khăn.

Đây cũng là tiêu chí quan trọng để nhà đầu tư quyết định rót vốn. Tuy nhiên, điểm yếu là còn quá nhiều DN không minh bạch. Nên nhớ, nếu cố tình che giấu thông tin thì dù DN có tốt, tiềm năng phát triển lớn, các quỹ cũng không tham gia góp vốn dưới bất kỳ hình thức nào.

DN nên xây dựng cho mình một chiến lược tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ quỹ, đồng thời phải hiểu rõ các quỹ đầu tư mà mình muốn hợp tác.

Để tiếp cận thành công, DN nên nhờ sự hỗ trợ của các công ty tư vấn chuyên nghiệp trong quá trình tiếp cận nguồn vốn từ quỹ, vì các công ty tư vấn có mạng lưới kết nối rộng với các nhà đầu tư, hiểu rõ nhu cầu và các tiêu chí của họ, cũng như nhu cầu của DN cần tìm nhà đầu tư như thế nào.

Như đã nói ở trên, quỹ không đặt ra quá nhiều tiêu chí về ngành, về quy mô mà chủ yếu tập trung ở yếu tố con người, mô hình kinh doanh, sự hợp tác...

QUỲNH VŨ thực hiện

Tin liên quan
Tin khác