Đầu tư
Vốn FDI hướng vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Hà Nguyễn - 26/09/2014 08:33
Không nhiều dự án quy mô lớn, đặc biệt là các dự án tỷ USD, nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang tiếp tục chảy vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, góp phần tăng năng lực cho nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bình Dương đón thêm 378 triệu USD vốn FDI
Giải ngân vốn FDI có thể đạt 12,5 tỷ USD
Sự quay lại của các dự án FDI tỷ đô
Dự án tỷ USD duy nhất giúp FDI không sụt giảm
   
  Đại diện Công ty Texhong và các nhà đầu tư nhận giấy chứng nhận đầu tư do lãnh đạo UBND Quảng Ninh trao trung tuần tháng 9/2014  

Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/9/2014, cả nước có 1.152 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 7,63 tỷ USD, bằng 82,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Bên cạnh đó, còn có 418 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,54 tỷ USD, bằng 62,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm, 9 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 11,18 tỷ USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái ngược với vốn đăng ký, vẫn đang xu hướng giảm, thì vốn FDI giải ngân vẫn khá tích cực, khi đạt 8,9 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Xét về lĩnh vực, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất, với 571 dự án đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 7,7 tỷ USD, chiếm 68,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng năm 2014.

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam, như là một địa điểm sản xuất hấp dẫn, càng được khẳng định khi nhiều dự án FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo được cấp chứng nhận đầu tư.

Gần đây nhất, tháng 9/2014, Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 37 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 380 triệu USD. Trong số này, đáng chú ý có hai dự án của Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile trong ngành dệt may và của Công ty TNHH Công nghiệp Kingtec Việt Nam trong lĩnh vực thiết bị y tế.

“Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, chúng tôi sẽ cho khởi công xây dựng nhà máy và sẽ hoàn thành sau khoảng 1 năm xây dựng”, ông Marcus Ip, Giám đốc Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile nói và cho biết, dự án của Công ty có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, nhằm xây dựng nhà máy sản xuất vải dệt các loại tại KCN Việt Hương 2.

Nam Phương Textile là liên doanh giữa Haputex Development Limited (Hồng Kông - góp 64% vốn) với Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Hương (36% vốn). Theo kế hoạch, hai bên sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích 12 ha, trong đó giai đoạn I có công suất 36 triệu mét vải/năm, sau đó sẽ tăng lên gấp đôi ở giai đoạn II.

Trong khi đó, Kingtec Việt Nam có vốn đăng ký 50 triệu USD. Còn Esquel Garment Manufacturing (Việt Nam) quyết định tăng vốn đầu tư từ 25 triệu USD hiện tại lên 60 triệu USD. Esquel chính là một trong số những doanh nghiệp chịu thiệt hại sau sự cố hồi giữa tháng 5 vừa qua, song theo ông Kent Teh, Tổng giám đốc Công ty Esquel, sau khi nhận được sự ủng hộ kịp thời của Chính phủ và chính quyền địa phương, giúp sản xuất nhanh chóng ổn định trở lại, Công ty tiếp tục tin tưởng môi trường đầu tư của Việt Nam và quyết định tăng gấp đôi số vốn đầu tư để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, ở Quảng Ninh, cũng vào trung tuần tháng 9/2014, tỉnh này đã cấp chứng nhận đầu tư cho Dự án Sản xuất sợi tại KCN Texhong Hải Hà của Công ty TNHH Khoa học - Kỹ thuật Texhong Ngân Hà, với tổng vốn đăng ký 300 triệu USD.

Như vậy, sau khi hoàn thành việc xây dựng dự án sợi 300 triệu USD ở KCN Hải Yên, và quyết định đầu tư 215 triệu USD để phát triển hạ tầng KCN Texhong Hải Hà, thì nhà đầu tư này đã đầu tư thêm một dự án sản xuất sợi tại chính KCN của mình. Theo kế hoạch, dự án này, cùng với KCN Texhong Hải Hà đều được khởi công xây dựng vào ngày 30/10 tới.

Một điểm dễ thấy trong các dự án FDI thời gian gần đây đổ vào Việt Nam, đó là khá nhiều dự án trong lĩnh vực dệt may, sơ sợi. Đó là vì các nhà đầu tư chuẩn bị đón đầu cho việc Việt Nam sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm tới.

“Chúng tôi đầu tư dự án này để chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập TPP”, ông Marcus thừa nhận.

Không chỉ là những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thông tin gần đây cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam. Nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD đang “nằm chờ” được cấp chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án BOT ngành điện.

Liên quan đến lĩnh vực này, mới đây, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Texhong và Tập đoàn AES, chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2, về việc phát triển hai nhà máy điện tại tỉnh này. Cả hai dự án dự kiến đều có vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Khi nhà đầu tư nước ngoài lực bất tòng tâm

() Dự án chậm triển khai, chậm làm thủ tục đầu tư, nhà đầu tư lực bất tòng tâm, buộc các địa phương phải dứt khoát “trảm”, hoặc tìm nhà đầu tư thay thế. Đây là động thái cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn FDI.

Tin liên quan
Tin khác