Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thứ 4 từ phải sang) nghe giới thiệu về kết quả thu hút đầu tư vào VSIP Nghệ An |
Sẵn sàng là điểm kết nối, đón sóng dịch chuyển đầu tư
Trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Nghệ An được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, hấp dẫn với các lợi thế có sẵn như diện tích tự nhiên lớn, nhân lực có tay nghề dồi dào; hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ có cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển và đường thuỷ nội địa.
Tỉnh Nghệ An xác định việc thu hút đầu tư phải được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với các cực thu hút đầu tư là Khu kinh tế (KKT) Đông Nam và các Khu công nghiệp (KCN), trong đó ưu tiên 3 khu công nghiệp gồm: VSIP Nghệ An (Tập đoàn VSIP), Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 (WHA IZ 1) - Nghệ An (Tập đoàn Hemaraj Thái Lan) và Hoàng Mai I (Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt). Cả 3 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại này sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.
Một số dự án có quy mô lớn được cấp mới như Nhà máy Cấu kiện điện tử Everwin tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (200 triệu USD); Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện - Goertek 2 (35 triệu USD); Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (750 tỷ đồng); điều chỉnh mở rộng giai đoạn II Khu công nghiệp WHA thêm 354,5 ha…
Dốc sức xây dựng điểm đến cho nhà đầu tư
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 nên tỉnh đã chuyển trạng thái xúc tiến đầu tư vốn FDI qua các hình thức trực tuyến. Thị trường truyền thống mà Nghệ An tìm tới là các nhà đầu tư Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông…
KCN đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An là một trong những địa chỉ đỏ thu hút nguồn vốn FDI vào Nghệ An. Trong 30 dự án đầu từ vào VSIP thì có tới 14 dự án FDI, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 50%; tỷ suất bình quân của dự án thứ cấp trong khu công nghiệp VSIP đạt khoảng 107,67 tỷ đồng/ha.
Lãnh đạo Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết, VSIP Nghệ An đang đi đến giai đoạn đàm phán với một số nhà đầu tư trên diện tích khoảng 16,44 ha đất Khu công nghiệp giai đoạn I và khoảng 40 ha đất KCN giai đoạn II, dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận thuê đất vào quý IV/2021.
Theo ông Nguyễn Xuân Đức, Giám Đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, để nâng cao khả năng thu hút đầu tư, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kết quả, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện tích cực, các Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và Cải cách hành chính (PAR Index) liên tục được cải thiện về điểm số và thứ hạng. Năm 2020, trên bảng tổng sắp, PCI của Nghệ An xếp thứ 18, PAPI xếp thứ 15 và PAR Index xếp thứ 18.
Với mong muốn thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao; công nghiệp hỗ trợ (chế tạo phụ liệu, phụ kiện, linh kiện, cấu kiện, bộ phận, phụ tùng, chi tiết máy móc thiết bị); hậu cần cảng biển; cơ khí chế tạo, sản xuất các loại vật liệu mới, dệt may... UBND tỉnh Nghệ An đã có cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp Hàn Quốc vào cuối tháng 10 vừa qua.
Tại sự kiện này, ông Jun Hyun Soo, Tổng giám đốc Công ty SangWoo - Hội trưởng Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có 28 dự án có vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc với tổng vốn cam kết đầu tư là 158,13 triệu USD, với đa dạng ngành nghề như may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông... thu hút khoảng hơn 15.000 lao động đang làm việc.
“Doanh nghiệp Hàn Quốc luôn xem Nghệ An là thị trường truyền thống để tìm hiểu, khảo sát và tiến tới đầu tư nhiều dự án lớn”, ông Jun Hyun Soo nói.