Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đánh giá, doanh nghiệp FDI đang tận dụng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiệu quả hơn doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam |
Thưa bà, sau 2 năm thực thi CPTPP, ngành da giày, túi xách đã có những bước chuyển biến như thế nào?
Da giày là ngành hướng ra xuất khẩu với hơn 90% sản phẩm sản xuất ra để xuất khẩu. Việc hội nhập thông qua tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là CPTPP, là cơ hội lớn để ngành thu hút đầu tư, tăng năng lực sản xuất. CPTPP ban đầu là TPP, có sự tham gia của Mỹ - thị trường xuất khẩu rất lớn của ngành da giày, nhưng sau đó, Mỹ rút khỏi Hiệp định và đã có những ý kiến cho rằng, cơ hội với ngành sẽ giảm đi.
Song trên thực tế, quá trình đàm phán TPP và sau này là CPTPP đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp ngành da giày thu hút đầu tư từ việc dịch chuyển chuỗi sản xuất nguyên phụ liệu vào Việt Nam. Minh chứng rõ nhất là 5 năm trở lại đây, ngành da giày đã nâng tỷ lệ nội địa hóa từ 30% lên 55%.
So với các FTA khác, CPTPP quy định xuất xứ rất chặt chẽ hơn rất nhiều, yêu cầu 45% xuất xứ nội địa và 55% xuất xứ cộng gộp từ thành viên trong khối. Điều này đã tác động tích cực tới việc đầu tư cho khâu thượng nguồn, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành da giày, túi xách.
Các doanh nghiệp trong ngành đã chớp thời cơ, tận dụng ưu đãi thuế quan để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường trong khối CPTPP ra sao, thưa bà?
Số liệu thống kê cho thấy, sau khi có CPTPP, xuất khẩu da dày của Việt Nam vào khối này đã tăng lên 13% so với trước đó (riêng năm 2020 giảm do tác động của Covid-19). Đặc biệt, các doanh nghiệp da giày đã tiếp cận khá hiệu quả 2 thị trường mới trong khối này là Canada và Mexico.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số thị trường trong khối mà doanh nghiệp da giày, túi xách Việt Nam chưa tiếp cận được. Đơn cử như Brunei, do đặc thù của thị trường này nhỏ, nhu cầu về chủng loại không phù hợp với nhóm mặt hàng thế mạnh của ngành da giày Việt Nam. Ngoài ra, New Zealand và Pê-ru cũng là những thị trường mà doanh nghiệp da giày Việt Nam chưa có đối tác nhập khẩu.
CPTPP tác động tích cực tới việc dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành da giày, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa…, nhưng sau tất cả, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được bao nhiêu ưu đãi từ hiệp định này?
Đúng là vốn FDI đổ vào Việt Nam thông qua việc dịch chuyển chuỗi sản xuất nguyên liệu, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI vốn đang nắm giữ trên 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày nước ta. Những con số về kim ngạch xuất khẩu của ngành rất khả quan, song trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đứng ở phía sau những ưu đãi này. Lý do là mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp da giày Việt Nam hiện còn nhỏ quá, họ không tự chủ được nguyên phụ liệu…
Như vậy, có thể thấy, hội nhập chỉ thực sự ý nghĩa khi các ngành, các doanh nghiệp tăng được khả năng tự chủ sản xuất, làm chủ chuỗi cung ứng, nhưng dường như các doanh nghiệp nội ngành da giày đang quá chậm chân. Bà nghĩ sao về điều này?
CPTPP là một FTA có tiêu chuẩn cao, phức tạp, vì vậy không dễ dàng để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận. Không khó để nhìn ra, doanh nghiệp FDI đang tận dụng CPTPP hiệu quả hơn doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều, vì họ có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, nên dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP. Trong khi đó, số doanh nghiệp nội sở hữu chuỗi cung ứng còn rất ít, doanh nghiệp sản xuất gia công vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Việt Nam đang thực thi 14 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA). Theo bà, các doanh nghiệp da giày nội địa nên làm gì để tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế từ các FTA này?
Tôi cho rằng, doanh nghiệp nội cần thay đổi mạnh mẽ để vươn lên, từ đó phát huy nội lực và như vậy, hội nhập mới thực sự có ý nghĩa.
Hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu đang quá nghiêng về khối FDI - những doanh nghiệp mạnh về vốn, về sản xuất, công nghệ và cung ứng nguyên liệu. Vì thế, doanh nghiệp nội cần được tiếp sức về vốn để có điều kiện đầu tư mở rộng và đầu tư các dự án về nguyên liệu để hội tụ đủ điều kiện tham gia sân chơi hội nhập này.
Với một bộ phận doanh nghiệp nội đang phát triển tốt ở thị trường trong nước, thì nên đầu tư thêm cho mảng xuất khẩu, tận dụng hệ thống dây chuyền sản xuất đang có.