Nhà đầu tư phấn khởi
Nghị định số 06/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế thực ra đã được ký từ ngày 24/1/2017, nhưng mới chính thức được công bố vào cuối tuần qua. Ngay lập tức, một nhà đầu tư Hàn Quốc đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư niềm vui này.
Dễ hiểu vì sao vị này lại vui như vậy, bởi đây là điều mà ông “đã chờ đợi từ lâu”. 10 năm trước, công ty của ông - GOMAX I&D đã bắt đầu đệ trình lên các cơ quan chức năng một dự án trường đua ngựa trị giá 570 triệu USD tại Vĩnh Phúc, nhưng cuối cùng đã không được chấp thuận chỉ bởi Việt Nam chưa có hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực này. Năm ngoái, sau thông tin Chính phủ sẽ hợp pháp hóa kinh doanh đặt cược bằng một nghị định, GOMAX I&D đã quyết định quay trở lại bằng một dự án quy mô lớn gần gấp ba so với 10 năm trước đây, lên tới 1,5 tỷ USD.
Cửa “đặt cược” trong kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí đã chính thức mở khi nghị định mới được ban hành. Trong ảnh: Đua ngựa tại trường đua của Đại Nam. |
Dự án này, theo thông tin của Báo Đầu tư, đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chính thức đệ trình lên Chính phủ. Cuối tháng 12/2016, GOMAX I&D và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc triển khai dự án, chỉ còn chờ đợi nghị định của Chính phủ.
Giờ thì cửa “đặt cược” đã chính thức mở, khi Nghị định 06/2017/NĐ-CP được ban hành. Thêm vào đó, một điều khá quan trọng, đó là Nghị định cho phép đặt cược tại trường đua, thông qua các thiết bị đầu cuối, qua các điểm bán vé được đặt cố định…
10 năm trước, một trong những điều khiến GOMAX I&D lấn cấn, đó là vì nhiều khả năng việc đặt cược sẽ chỉ được thực hiện tại trường đua.
Tất nhiên, Nghị định 06/2017/NĐ-CP được ban hành không có nghĩa GOMAX I&D sẽ nhận được cái gật đầu của Chính phủ để triển khai dự án ở Vĩnh Phúc. Lý do, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên GOMAX I&D buộc phải tuân thủ các điều kiện được quy định cụ thể tại Nghị định. Chẳng hạn, phải có vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ đồng đối với đua ngựa và 300 tỷ đồng với đua chó; việc kinh doanh đặt cược ngoài trường đua trên phạm vi cả nước chỉ được thực hiện sau 1 năm đặt cược tại trường đua; có phương án tổ chức kinh doanh đua chó, đua ngựa phù hợp…
Kỳ vọng FDI tăngtrưởng mạnh
Không chỉ GOMAX, mà còn nhiều nhà đầu tư đang nhấp nhổm đầu tư các dự án trường đua ngựa hàng trăm triệu USD khác cũng đang rất sốt ruột chờ đợi sự ra đời của Nghị định.
Từ Global Consultant Network và Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) với Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf tiêu chuẩn 5 sao vốn đầu tư 500 triệu USD tại Hà Nội, tới một nhà đầu tư Hàn Quốc khác - cũng đề xuất dự án 500 triệu USD tại Bắc Ninh. Rồi còn Công ty Golden Turf Club Pty Ltd với dự án 100 triệu USD ở Phú Yên; Tập đoàn Matrix Holdings Limited (Hồng Kong) với kế hoạch đầu tư một trường đua ngựa ở Đà Nẵng. Hay Công ty TNHH Thể thao Việt - Úc với Dự án Tích hợp và trường đua ngựa quốc tế, quy mô 150 ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 158 triệu USD…
Theo quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP, các cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài phải đủ 21 tuổi trở lên mới được tham gia đặt cược đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế tại Việt Nam. Mức đặt cược tối thiểu là 10.000 đồng, tối đa là 1 triệu đồng trong một ngày cho từng sản phẩm đặt cược tại một doanh nghiệp kinh doanh đặt cược.
Chỉ những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được phép kinh doanh đặt cược. Doanh nghiệp sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký đầu tư phải xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược.
Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó bao gồm: Đã hoàn thành việc xây dựng trường đua ngựa, đua chó theo quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư; Đã trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh để tổ chức hoạt động đua ngựa, đua chó theo quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP; Có phương án kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó khả thi, phương thức phân phối vé đặt cược, địa bàn phân phối vé đặt cược phù hợp quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP và quy định của pháp luật.
Gần đây nhất, Dự án trường đua ngựa của Đại Nam cũng đã chính thức được mở cửa tại Bình Dương. Tuy hiện thời, chủ đầu tư chỉ tính đến phương án tổ chức đua ngựa cho mục đích giải trí mà chưa có cá cược, song một khi Nghị định ra đời, cũng không loại trừ khả năng hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó… sẽ được đệ trình trong tương lai.
“Đây là một lĩnh vực vui chơi giải trí lành mạnh, cần được khuyến khích. Có những ràng buộc pháp lý rõ ràng sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai dự án tại Việt Nam”, GS - TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói.
Cũng cần nhắc đến một câu chuyện khác. Đó là ngay trước Tết Đinh Dậu, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định về kinh doanh casino - một nghị định cũng đã được giới đầu tư chờ đợi từ lâu. Và một trong những nội dung quan trọng nhất, đó là Chính phủ sẽ cho phép thí điểm người Việt Nam vào chơi trong vòng 3 năm, bắt đầu từ đầu tháng 3 tới. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực này cũng không cần phải có quy mô 4 tỷ USD như quy định trước đây nữa, mà chỉ cần 2 tỷ USD. Các quy định này là một sự “cởi trói”, phá vỡ các rào cản, giúp các nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước sẵn sàng cho các dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp có nội dung casino. Có thể kể hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài, mà một trong số đó là LasVegas Sand, đã nhiều năm đeo đuổi các dự án casino tại Việt Nam.
Hiển nhiên, cả casino và đua ngựa, đua chó đều là các ngành kinh doanh có điều kiện nên Chính phủ sẽ không dễ dàng thông qua các dự án. Cũng còn cả một quá trình không hề ngắn để các dự án được triển khai. Và cũng sẽ là một “cuộc chiến” gian nan đối với các cơ quan chức năng Việt Nam trong kiểm tra, giám sát việc kinh doanh casino, đặt cược để tránh những hệ lụy cho xã hội. Tuy nhiên, việc Chính phủ “mở cửa” cho kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược, có thể sẽ không ngay lập tức, nhưng sẽ góp phần không nhỏ thu hút thêm nguồn vốn FDI mới vào Việt Nam.
Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài công bố cuối tuần qua, tính đến ngày 20/1/2017, đã có trên 1,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng đầu năm mới “mở hàng” như vậy là khá suôn sẻ.
Nếu mọi kế hoạch được triển khai, từ việc cấp chứng nhận đầu tư cho 2 dự án nhiệt điện BOT, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD được thực hiện, các kế hoạch đầu tư tỷ USD của các ông lớn thành công và thêm các dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp, trường đua ngựa được cấp chứng nhận đầu tư, năm 2017 hứa hẹn sẽ là một năm bùng nổ đối với thu hút FDI.