Ngân hàng - Bảo hiểm
Vốn FII vào Việt Nam vẫn duy trì dù Fed tăng lãi suất
Thùy Vinh - 19/03/2017 09:23
Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, việc đẩy mạnh IPO và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước giúp thị trường chứng khoán có thêm nhiều hàng hóa chất lượng, khối ngoại có thể trở lại vị thế mua ròng…

Các yếu tố bên ngoài sẽ tác động ra sao đến sức khỏe của doanh nghiệp niêm yết cũng như thị trường chứng khoán trong nước năm  2017, thưa ông?

Từ thế giới bên ngoài, chúng tôi nhận thấy những cơ hội và thách thức cơ bản đan xen cho các doanh nghiệp niêm yết. Về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong khối ASEAN với vị trí chiến lược trong kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng lượng vốn FDI giải ngân tiếp tục duy trì ở mức cao. Đây là yếu tố cực kỳ tích cực với các doanh nghiệp, đặc biệt là khối bất động sản khu công nghiệp.

Việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị trì hoãn khiến các doanh nghiệp cân nhắc lại kế hoạch đầu tư. Dấu hiệu cụ thể là lượng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung năm 2016 giảm 7,6% so với năm 2015. Điều này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới và đòi hỏi Việt Nam cần chắt chiu hơn nữa các cơ hội, nỗ lực đổi mới chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam

Về hoạt động xuất khẩu, tăng trưởng thương mại toàn cầu suy giảm cùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ sẽ tác động không nhỏ đến triển vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu, điển hình như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, dệt may, hàng tiêu dùng... Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ được ký kết, cùng bức tranh kinh tế thế giới cải thiện hơn cũng củng cố niềm tin về một năm kinh doanh khả quan.

Cuối cùng, các yếu tố bên ngoài như các cuộc bầu cử tại châu Âu, sự kiện Brexit, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và xu thế giá dầu sẽ có tác động quan trọng đến diễn biến thị trường chứng khoán trong năm 2017. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức độ rủi ro không quá nghiêm trọng trong bối cảnh nền tảng vĩ mô và thị trường trong nước vẫn khả quan.

Liệu dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) có chuyển hướng khi Fed tăng lãi suất?

Các nhà đầu tư đang tìm đến và coi Việt Nam là công xưởng mới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và nhắm tới thị trường tiêu dùng rộng lớn ASEAN. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp lớn, điển hình là Samsung, đã thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực cao. Điều này cho thấy vị trí chiến lược của Việt Nam ngày càng gia tăng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Khối ngoại đã trở lại mua ròng tốt trong 2 tháng đầu năm và tôi kỳ vọng xu thế này sẽ được duy trì trong năm nay, cho dù áp lực bán ròng tại một số thời điểm có thể xảy ra do ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất. Thêm vào đó, nền tảng vĩ mô cải thiện: tăng trưởng kinh tế khởi sắc hơn, lạm phát và tỷ giá sẽ được kiểm soát tốt. Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường tài chính theo hướng tự do hơn và tiếp tục nới room cho khối ngân hàng… Triển vọng tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam rất sáng sủa và hướng đến mức cao nhất trong 10 năm qua.

Nhóm ngành, cổ phiếu nào được cho là tiềm năng để rót vốn trong năm nay?

Các nhóm ngành giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ thu hút được dòng tiền thông minh. Đó là các nhóm ngành: ngân hàng, tiêu dùng, thép, bất động sản - xây dựng, bán lẻ và các doanh nghiệp lớn mới niêm yết. Ngoài ra, nhóm ngành hưởng lợi từ giá hàng hóa thế giới phục hồi, như dầu khí, cao su…, được dự đoán sẽ tích cực hơn trong 2017 và phù hợp với nhà đầu tư dài hạn.

Các cổ phiếu đầu cơ vốn đã giảm sâu trong năm vừa qua, nhưng hoạt động kinh doanh tạm ổn, cũng có thể phục hồi. Tuy nhiên, các cổ phiếu này chỉ thích hợp với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao.

Đánh giá của ông về diễn biến của VN-Index trong năm nay?

Theo tôi, VN-Index đang xác lập xu thế tăng dài nhất trong lịch sử (5 năm) sau khi tăng thêm 15% trong năm qua và tiếp tục 7% trong 2 tháng đầu năm, vượt lên trên 700 điểm. Đây được xem là khởi đầu tốt đẹp cho năm 2017. Vì thế, tôi tiếp tục kỳ vọng năm 2017 vẫn là năm thành công đối với chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình tăng sẽ không diễn ra liên tục cả năm, mà sẽ có những đợt tăng - giảm, song xu thế tăng sẽ áp đảo. Tôi kỳ vọng, VN-Index có thể vận động trong vùng 680-760 trong năm 2017 và kết thúc năm 2017 với trên 750 điểm.

Tin liên quan
Tin khác