Ngân hàng - Bảo hiểm
Vốn giá rẻ vẫn xa tầm tay doanh nghiệp
Thùy Liên - 05/07/2013 12:59
Lãi suất đã hạ, dòng vốn giá rẻ vẫn không tới được doanh nghiệp, khiến tín dụng ngân hàng vẫn tăng trưởng âm.

Ngân hàng lớn, tín dụng vẫn âm

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, 6 tháng đầu năm, tín dụng của ngân hàng này vẫn tăng trưởng âm. Lý do một phần vì nhiều khách hàng lớn trả nợ Vietcombank và đi tìm nguồn tài trợ khác từ bên ngoài có lãi suất rẻ hơn.

6 tháng đầu năm, tín dụng của Vietcombank vẫn tăng trưởng âm

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cũng cho hay, tính đến cuối tháng 6/2013, tín dụng của Eximbank chỉ tăng 0,9% so với đầu năm.

Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa công bố mức tăng trưởng tín dụng của cả nước, song theo thống kê của NHNN Chi nhánh Hà Nội, tính đến cuối tháng 6/2013, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn mới tăng 1,68% so với đầu năm. Con số này còn rất xa so với mục tiêu tăng trưởng 12% của toàn hệ thống trong năm 2013.

Bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội cũng than khó, khi 6 tháng đầu năm, huy động vốn của Ngân hàng tăng 12 - 14%, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt hơn 4%.

“Chúng tôi đang nghiên cứu để giảm thêm lãi suất, phấn đấu cả năm đạt mục tiêu tăng 12%. Tuy vậy, các ngân hàng không nên đua giảm lãi suất cho vay bằng mọi giá, vì làm như vậy, ngân hàng sẽ tự hại chính mình, do không bù đắp được chi phí”, bà Bình nói.

Do khó tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đang tìm mọi cách câu kéo khách hàng tốt bằng việc đưa ra các gói lãi suất cho vay rất hấp dẫn, chỉ 5 - 6%/năm. được tiếp cận vốn rẻ, nhiều DN không đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, mà trục lợi bằng cách gửi tiết kiệm lấy lãi.

Tắc nợ xấu, ngân hàng sợ cho vay

Dù tăng trưởng tín dụng âm trong 6 tháng đầu năm, song ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của toàn hệ thống trong năm 2013 là khả thi.

Trên thực tế, một số “điểm sáng” về tín dụng cũng đã xuất hiện, khi gần đây, nhiều ngân hàng như Sacombank, TienPhong Bank, LienVietPostBank, VIB… thông báo đề nghị NHNN nới room tín dụng.

Tuy nhiên, dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% có đạt được, cũng không thể phủ nhận, nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là chất lượng tín dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Agribank cho rằng, chất lượng tín dụng nhìn chung vẫn chưa được cải thiện, dù tỷ trọng nợ xấu giảm. Nhiều khoản nợ đã được cơ cấu nợ trước đây có khả năng xấu hơn, tiếp tục gây áp lực với hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay là khả thi, song việc mở rộng tín dụng phải cực kỳ cân nhắc, nếu không nợ xấu sẽ quay trở lại với hậu quả khó lường.

Báo cáo của NHNN Chi nhánh Hà Nội cũng thừa nhận, 6 tháng đầu năm, chất lượng tín dụng có dấu hiệu suy giảm, nợ xấu không những giảm, mà còn có xu hướng tăng. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng chủ trương siết chặt thêm điều kiện vay vốn.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thừa nhận, dù rất mong muốn, song các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn khi đẩy vốn ra thị trường. Nguyên nhân là do 80% DN không đáp ứng điều kiện vay vốn. Do đó, để đẩy mạnh tín dụng, chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng. Điều này hoàn toàn trái với chủ trương của NHNN và không ngân hàng nào thực hiện để đẩy mình vào thế chịu rủi ro.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho DN và kích thích tín dụng tăng trưởng, NHNN vừa cắt giảm thêm 0,5% trần lãi suất. Song theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi, động thái này sẽ khó kéo theo sự cải thiện về tín dụng.

“Việc hạ lãi suất lần này chắc chắn không hiệu nghiệm với kích cầu tiêu dùng. Dòng vốn giá rẻ chưa thể đi ngay vào sản xuất, ít tác động đến khu vực DN và dân cư. Công cụ lãi suất không còn là ‘cây đũa thần’ nữa”, bà Mùi nhận định.

Bà Mùi cho rằng, ngân hàng rất sợ nợ xấu, do đó, dù lãi suất có rẻ hơn nữa, ngân hàng cũng không dễ dãi trong cho vay vì sợ nợ xấu xuất hiện. Trong khi đó, DN cũng không mặn mà vay vốn khi tồn kho cao, cầu tiêu dùng thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chính thức thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 9/7/2013 sẽ khiến tín dụng tăng trưởng khả quan hơn.

Tin liên quan
Tin khác